ACV cho nhiều doanh nghiệp hàng không nợ

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho một số doanh nghiệp hàng không nợ, trong đó có những khoản nợ khó có khả năng thu hồi.

 

ACV cho nhiều doanh nghiệp hàng không nợ - Ảnh 1

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của ACV cho thấy, ngày 30/9/2022, ACV đã cho các hãng hàng không và các bên liên quan nợ gần 9.250 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm. Phần lớn các khoản nợ này nằm ở các công ty hàng không nội địa. Trong đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nợ 1.838 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không VietJet (VietJet Air) nợ 3.442 tỷ đồng, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) nợ 2.008 tỷ, Công ty CP Hàng không Pacific Airlines nợ 835 tỷ.

Đến cuối quý 3/2023, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) của ACV tại các hãng hàng không và các bên liên quan là gần 6.500 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với đầu năm và tăng gần 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tại VietJet là 2.585 tỷ đồng, tại Bamboo Airways là 1.803 tỷ đồng, tại Vietnam Airlines là 1.094 tỷ đồng, tại Pacific Airlines là 760 tỷ đồng, tại Vietravel Airlines là 218 tỷ đồng và tại Air Mekong (hãng bay đã dừng bay 10 năm) là gần 26 tỷ đồng.

Đáng chú ý, mặc dù Pacific Airlines chỉ xếp thứ tư về giá trị (760 tỷ đồng) nhưng là hãng bay có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu lớn nhất, lên đến gần 91%. ACV đang phải dự phòng 553 tỷ đồng cho khoản nợ xấu của Pacific Airlines.

Tương tự, Bamboo Airways xếp thứ hai về giá trị nợ xấu tại ACV (1.803 tỷ đồng) nhưng có tỷ trọng nợ xấu/nợ phải thu là gần 90%. ACV cũng đang phải dự phòng 1.027 tỷ đồng cho khoản nợ xấu của Bamboo Airways, chiếm tới hơn 40% trong tổng số 2.565 tỷ đồng trích lập dự phòng của ACV tính đến cuối quý 3.

Riêng trong quý 3/2023, ACV phải trích lập thêm 680 tỷ đồng dự phòng nợ xấu, gấp 10 lần con số cùng kỳ và chiếm hơn một nửa chi phí dự phòng nợ xấu tăng thêm trong 9 tháng đầu năm (1.320 tỷ đồng).

Việc phải trích lập dự phòng gấp đôi đầu năm cho các khoản nợ quá hạn, gần như không có khả năng thu hồi này đã khiến gánh nặng chi phí của ACV tăng lên đáng kể. Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ, lên 929 tỷ đồng. Đây là yếu tố chính khiến lợi nhuận quý 3 của ACV giảm tốc, chỉ tăng 15% so với cùng kỳ, đạt mức 2.764 tỷ đồng dù doanh thu lập đỉnh.

Thành Nam

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục