6 tháng Kosy mới thực hiện 28% mục tiêu lợi nhuận năm, vẫn còn hơn 300 tỷ tồn kho ở dự án Kosy Lào Cai

Cuối tháng 10/2018, Kosy đã tổ chức đợt mở bán dự án Kosy Lào Cai và cho biết 2/3 quỹ hàng được đưa ra giới thiệu đã giao dịch thành công đồng nghĩa với 2/3 số lô đất cuối cùng đã có chủ. Tuy nhiên tính tới ngày 30/6 thì tồn kho ở dự án này vẫn còn ở mức rất cao, chiếm hơn nửa tổng giá trị hàng tồn kho.

Dòng tiền hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm tiếp tục âm

Công ty Cổ phần Kosy (Mã: KOS) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019 chưa kiểm toán.

6 tháng Kosy mới thực hiện 28% mục tiêu lợi nhuận năm, vẫn còn hơn 300 tỷ tồn kho ở dự án Kosy Lào Cai - Ảnh 1
Kết quả kinh doanh của Kosy quý II (Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính)
 

Quý II/2019 Kosy đạt 275 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên giá vốn tại tăng tới 42% khiến cho lợi nhuận gộp của Kosy giảm 43% còn 18 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ còn 6,7%.

Chi phí tài chính và bán hàng giảm song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh nên kết thúc quý II lợi nhuận sau thuế của Kosy giảm tới 47% còn 9,5 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, Kosy đạt 569 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 77% nhưng lãi sau thuế giảm 16% còn 18 tỷ đồng.

Đáng chú ý dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kosy liên tục âm trong 3 năm trở lại đây, kết thúc năm 2018 con số này đã lên tới âm 532 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Kosy tiếp tục âm 157 tỷ đồng do tăng mạnh khoản phải thu và tồn kho báo động rủi ro với dòng tiền của doanh nghiệp. 

Năm 2019, Kosy đặt mục tiêu doanh thu cán mốc 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 65 tỷ đồng. Như vậy nửa đầu năm, Công ty mới chỉ thực hiện được 38% mục tiêu doanh thu và 28% lợi nhuận cả năm.

Với tình hình kinh doanh nửa đầu năm thiếu khởi sắc chưa kể dòng tiền liên tục âm nhưng năm 2019 Kosy lại lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi công cụm dự án nhà máy thủy điện Nậm Pạc 1 và 2 có công suất 34MW với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, mục tiêu phát điện và hòa lưới điện quốc gia vào nửa cuối năm 2020.

Bên cạnh đó trong năm nay, Kosy còn đặt mục tiêu hoàn thiện và đưa vào kinh doanh 5 dự án bất động sản đang triển khai, đồng thời đặt kế hoạch tập trung đầu tư và chuẩn bị khởi công các dự án có quy mô lớn hơn, thuộc phân khúc cao hơn tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Thái Nguyên, Long An.

Tồn kho hơn 300 tỷ đồng ở dự án Kosy Lào Cai

Hết quý II, tổng tài sản của Kosy đạt 1.774 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho. Dù với quy mô vốn nhỏ song các dự án của Kosy đang thực hiện có tổng mức đầu tư lên tới 2.321 tỷ đồng (theo số liệu từ báo cáo thường niên 2018), tức gấp 2,2 lần vốn điều lệ và hơn hẳn tổng tài sản tại thời điểm 30/6. 
6 tháng Kosy mới thực hiện 28% mục tiêu lợi nhuận năm, vẫn còn hơn 300 tỷ tồn kho ở dự án Kosy Lào Cai - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính quý II/2019

Hết quý II, hàng tồn kho của Kosy lên tới 582 tỷ đồng, chủ yếu ở dự án Kosy Lào Cao 307 tỷ đồng. Có thể thấy, mục hàng tồn kho của Kosy trong 4 năm trở lại đây thì chi phí sản xuất kinh doanh dở dang nằm phần lớn ở dự án Kosy Lào Cai.

6 tháng Kosy mới thực hiện 28% mục tiêu lợi nhuận năm, vẫn còn hơn 300 tỷ tồn kho ở dự án Kosy Lào Cai - Ảnh 3
Phối cảnh dự án Kosy Lào Cai (Ảnh: Kosy)

Dự án Kosy Lào Cai là dự án lớn nhất trong các dự án doanh nghiệp đang triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là gần 1.420 tỷ đồng. Quy mô sử dụng đất của dự án lên tới 38 ha trong đó doanh nghiệp dùng để xây dựng nhà liền kế, biệt thự, nhà vườn.

Dự án Kosy được UBND thành phố Lào Cai tổ chức công bố quy hoạch chi tiết xây dựng vào tháng 4/2012 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2018. Cuối tháng 10/2018, Kosy đã phối hợp với đơn vị phân phối Danko Group tổ chức đợt mở bán.

Theo thông cáo báo chí của phía doanh nghiệp, 2/3 quỹ hàng được đưa ra giới thiệu ở buổi chào bán đã giao dịch thành công đồng nghĩa với 2/3 số lô đất cuối cùng đã có chủ. Tuy nhiên tính tới ngày 30/6 thì tồn kho ở dự án này vẫn còn ở mức rất cao, chiếm hơn nửa tổng giá trị hàng tồn kho.

Tại ngày 30/6 tổng nợ đi vay của Kosy là 320 tỷ đồng, trong đó có 235 tỷ đồng là vay từ trái phiếu phát hành cho Quỹ đầu tư Cơ hội PVI vào năm 2018 còn lại là từ ngân hàng. Năm 2018 là năm "khát" vốn của Kosy nên doanh nghiệp đã đưa ra kế hoạch huy động 500 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu song kết quả cuối cùng doanh nghiệp chỉ huy động được 235 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Cơ hội PVI.

Ngày 22/7 vừa qua, Kosy đã chính thức chuyển sàn từ UPCoM sang HOSE. Ngay trong phiên chuyển sàn, cổ phiếu KOS đã tăng trần lên 27.800 đồng/cp và tiếp tục tăng mạnh 5,4% lên 29.300 đồng/cp kết phiên 23/7.
 
Trong bối cảnh tín dụng vào bất động sản đang ngày càng siết chặt khi Chính phủ đang có chủ trương là sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn dự kiến giảm từ 40% năm 2019 xuống 35% vào đầu năm 2020 và tiến tới tỷ lệ 30% trong thời gian sau đó, đồng thời nâng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%, thậm chí là 250 - 300% nếu cần.
 
 Cơ quan quản lý đang ngày càng siết tín dụng thì nhiều doanh nghiệp chuyển từ nguồn vốn ngân hàng sang huy động trái phiếu doanh nghiệp song để huy động tiền từ trái phiếu đòi hỏi doanh nghiệp phải có tình hình tài chính tốt, chiến lược phát triển, minh bạch thông tin cũng như có được hệ số tín nhiệm cao từ nhà đầu tư. Theo đó kênh trái phiếu hiện vẫn là mảnh đất của doanh nghiệp lớn. 
 
 Qua các thông tin trên có thể thấy tham vọng của Kosy rất lớn trong khi nguồn lực tài chính hạn hẹp, dòng tiền liên tục âm liệu thời gian tới doanh nghiệp sẽ huy động vốn ra sao? Kosy lại chọn phương án tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay trở thành cỗ máy “in giấy lấy tiền” từ cổ đông khi vừa chuyển sang sàn HOSE?

 

Hoàng Kiều

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục