4 nhóm cổ phiếu hút dòng tiền trong giai đoạn lình xình

Trong giai đoạn đầu dòng tiền thông thường sẽ quay trở lại những nhóm cổ phiếu từng giảm xuống dưới giá trị thực của doanh nghiệp.

4 nhóm cổ phiếu được kỳ vọng

Xuất hiện trong chương trình Khớp lệnh diễn ra trưa ngày 30/1, ông Lã Giang Trung, Giám đốc điều hành Passion Investment và ông Ngô Minh Đức, Giám đốc LCTV Investment đã đánh giá về triển vọng đầu tư của các nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2023.

Theo đó, với kịch bản thị trường sẽ biến động theo kiểu sideway up sau cuộc đại suy thoái năm 2022 vừa qua, ông Ngô Minh Đức nhận định trong giai đoạn đầu dòng tiền thông thường sẽ quay trở lại những nhóm cổ phiếu từng suy giảm xuống dưới giá trị.

4 nhóm cổ phiếu hút dòng tiền trong giai đoạn lình xình - Ảnh 1

4 nhóm cổ phiếu đó, theo ông Đức, là chứng khoán, ngân hàng, thép và dầu khí. Với nhóm cổ phiếu chứng khoán, nhà đầu tư có thể tìm cơ hội ở những công ty chứng khoán vừa phát hành tăng vốn và giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách. Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc những ngân hàng tiếp tục thành công trong quá trình chuyển đổi số, quy mô ở mức trung bình và đang tăng trưởng. Đó là những nhóm ngành được dòng tiền tập trung vào trong vòng 3, 4 tháng đầu năm nay.

Sau đó, khi lãi suất giảm ở nửa năm sau, thị trường bất động sản sẽ ấm lên cùng với việc thị trường hưởng lợi từ hạ tầng khi 3.000 km đường cao tốc Bắc Nam được lưu thông trong vòng 2, 3 năm tới. Đó là sự luân chuyển của từng nhóm ngành giúp nhà đầu tư có thể phân bổ danh mục hợp lý trong hai nửa năm nay.

Nút thắt của ngành ngân hàng trong năm 2023

Nhận định cụ thể hơn về tiềm năng ngành ngân hàng trong năm 2023, ông Lã Giang Trung nhận định trong những năm qua kinh tế Việt Nam không tăng trưởng quá tốt nhưng tăng trưởng tín dụng của ngân hàng lại rất lớn, trong đó có một phần lớn của tăng trưởng tín dụng chảy vào thị trường bất động sản và các khoản vay này đều được cầm cố bằng các tài sản bất động sản.

"Điều khiến các ngân hàng lo sợ nhất là tài sản đảm bảo bị giảm giá, do đó nếu thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn và đi xuống thì tài sản bất động sản sẽ bị giảm giá hoặc trường hợp giá đi ngang thì chủ sở hữu bất động sản phải trả lãi hàng nằm đã bị giảm vào phần có khả năng chi trả rồi'. ông Trung chia sẻ.

Do đó, nút thắt của ngành ngân hàng trong năm 2023 là thị trường bất động sản, nếu thị trường này tiếp tục gặp khó khăn thì bảng cân đối kế toán của ngân hàng sẽ không còn đẹp như trước và kết quả kinh doanh sẽ không tốt.

Chia sẻ một góc nhìn khác, ông Ngô Minh Đức chỉ ra rằng câu chuyện ngân hàng trong năm 2022 gắn liền với câu chuyện của trái phiếu và bất động sản, tuy nhiên ông Đức đánh giá ngành ngân hàng không quá khó khăn như giai đoạn 2011 – 2012, khi toàn bộ phân khúc bất động sản đóng băng và lạm phát có thời điểm lên tới 19 – 19,5% khiến các ngân hàng đối mặt với vấn đề nợ xấu lớn.

Sau quá trình tái cơ cấu ngân hàng, ông Đức nhận định ngành ngân hàng đã chuyển biến nhất định. Ở thời điểm hiện tại, tuy giao dịch ở thị trường bất động sản chậm lại nhưng giá tài sản mà các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản giảm không nhiều.

Ông Đức nhắc lại rằng thực tế giá bất động sản giai đoạn 2020 – 2021 đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần, còn hiện tại chỉ giảm 30 – 40% tuỳ từng phân khúc, đặc biệt phân khúc chung cư còn tăng giá, phân khúc đất nền giảm không nhiều ngoại trừ vùng ven đất tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa. Tóm lại, chất lượng tài sản ở các ngân hàng hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2011 – 2013.

"Bên cạnh đó các ngân hàng cũng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cùng với giá cổ phiếu giảm 40 – 50%, tương đối là hợp lý ở vùng 950 điểm trở xuống, còn câu chuyện ngắn hạn trong tuần này, tuần sau thì giá còn có thể có sự điều chỉnh", ông Đức lập luận.

Tùng Lâm

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục