Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vừa công bố Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính Công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020.
Hơn 14.700 người dân đã được phỏng vấn cho Báo cáo PAPI 2020. Đây là số lượng người dân tham gia đông nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện trên toàn quốc lần thứ nhất vào năm 2011. Đây cũng là lần đầu tiên khảo sát thu thập ý kiến của người dân đăng ký tạm trú. Hơn 300 người di cư đã được khảo sát tại sáu tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, và Bình Dương).
Báo cáo đánh giá trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công. Kết quả trình bày trong báo cáo cho thấy kể từ năm 2016, lĩnh vực kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công đã được cải thiện đáng kể qua từng năm. Trách nhiệm giải trình với người dân cũng từng bước được cải thiện trong nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày càng có nhiều người dân tương tác với chính quyền cấp cơ sở, nhất là với trưởng thôn/tổ trưởng dân phố và đại biểu Hội đồng nhân dân. Trong khi đó, điểm số của những lĩnh vực tham gia của người dân ở cấp cơ sở (Chỉ số nội dung thứ 1) và Thủ tục hành chính công (chỉ số nội dung thứ 5) cho thấy có sự giảm sút.
Tuy nhiên, theo Báo cáo PAPI năm 2020 tỷ lệ người được hỏi cho rằng hối lộ là cần thiết để có việc làm trong cơ quan nhà nước; khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện công tuyến huyện/quận; khi muốn con em được giáo viên tiểu học trường công lập quan tâm hơn và khi làm giấy phép xây dựng tiếp tục giảm.
Đặc biệt, theo kết quả khảo sát về trải nghiệm thực tế của người dân với nhũng nhiễu khi sử dụng dịch vụ công cho thấy, nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chiều hướng tiếp tục gia tăng.
Cụ thể, tỷ lệ người dân đã phải trả chi phí ngoài quy định để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tiếp tục tăng trong năm 2020. Cụ thể, hơn 32% số người được hỏi cho biết họ đã phải trả thêm tiền ngoài quy định mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đất cho hộ gia đình. Tỷ lệ này năm 2019 là 22,3% và năm 2018 là 15%.
Ngược lại, với tình trạng trên, từ 2018 đến 2020, rất ít trường hợp phải “chi thêm tiền” bôi trơn để bản thân hoặc người thân trong gia đình được chăm sóc, điều trị tốt hơn ở bệnh viện công tuyến huyện/quận.
Bên cạnh đó, Báo cáo PAPI 2020 cung cấp kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh trên tám chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử), cũng như điểm PAPI tổng hợp. Năm 2020, không có tỉnh, thành phố nào trong số 63 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất ở cả tám chỉ số nội dung.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ kỳ vọng PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền và đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn.