2017 - Năm khủng hoảng của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ

(Kinhdoanhnet) - Các hãng bán lẻ truyền thống ở Mỹ đang nộp đơn xin phá sản với tốc độ kỷ lục. Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự sụp đổ của các hãng bán lẻ tại Mỹ ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều.

Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ S&P Global Market Intelligence cho biết, chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua, đã có 14 chuỗi bán lẻ ở Mỹ tuyên bố sẽ xin bảo hộ phá sản.

2017 - Năm khủng hoảng của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ - Ảnh 1
Một cửa hiệu của công ty bán lẻ Mỹ Sear Holdings - Ảnh: Fortune.

Đến nay, các cửa hiệu bán lẻ quần áo ở Mỹ chịu tác động đặc biệt mạnh từ sự phát triển của thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, một loạt tên tuổi như The Limited,Wet Seal, BCBG Max Azria, và Vanity Shop of Grand Forks đã lần lượt nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Nạn nhân mới nhất là Payless, chuỗi cửa hiệu xin phá sản hôm 4/4 và tuyên bố sẽ đóng cửa 400 cửa hàng. 

Một số ít những mảng bán lẻ trước đây “miễn nhiễm” trước sự nở rộ của bán lẻ trực tuyến như bán lẻ giày dép giá rẻ, cửa hiệu ngoài trời, bán lẻ hàng điện tử… giờ phải tìm cách tái cơ cấu hoạt động.

Cuộc khủng hoảng hiện nay của ngành bán lẻ Mỹ được cho là manh nha từ cách đây gần 3 thập niên, thời điểm các nhà bán lẻ đua nhau mở các cửa hàng mới để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Hệ quả là hiện Mỹ có tỷ lệ diện tích cửa hàng bán lẻ tính bình quân đầu người cao nhất thế giới.

S&P cho rằng khó khăn về tài chính khiến các hãng bán lẻ truyền thống không thể thích nghi với áp lực ngày càng lớn từ thương mại điện tử.

"Giải thích đơn giản nhất cho sự sụp đổ của các chuỗi bán lẻ truyền thống chính là bởi các nhà bán lẻ trực tuyến như Amazon đã chiếm mất thị phần. Từ năm 2010 đến cuối năm 2016, doanh thu của Amazon ở Bắc Mỹ đã tăng gấp 5 lần từ 16 tỷ USD lên 80 tỷ USD", phóng viên Pau La Monica, kênh CNN Money cho biết.

Ngoài ra, sự hỗ trợ của các công nghệ đã khiến cho lĩnh vực thương mại điện tử dần nắm quyền và lấn át ngành công nghiệp bán lẻ trị giá hàng trăm tỷ USD này.

Sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cũng là một nguyên nhân góp phần vào cuộc khủng hoảng của ngành bán lẻ truyền thống Mỹ. Theo đó, những khoản chi tiêu cho thực phẩm, đồ uống, may mặc, đồ dùng sinh hoạt liên tục giảm, do giá thành của chúng ngày càng rẻ và đa dạng hơn. Trong khi, các mặt hàng dịch vụ, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe lại tăng nhanh do đời sống vật chất đi lên.

Theo các chuyên gia, năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự sụp đổ của các hãng bán lẻ tại Mỹ, ở tốc độ nhanh hơn rất nhiều khi nguồn tiền mặt cạn kiệt.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục