Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố chiều 18/8, tính đến thời điểm cuối thán 6/2016, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn 1.495,4 tỷ đồng, giảm tới 60% so với thời điểm cuối năm 2015.
Giá xăng dầu bán lẻ đang chịu sức ép tăng giá
Số dư quỹ bình ổn giảm mạnh, theo lý giải của cơ quan điều hành là do trong khi tổng số sử dụng quỹ lên tới hơn 3.821 tỷ đồng thì số trích quỹ cho các doanh nghiệp ở mức 1.525 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có số âm quỹ lần này gồm cả doanh nghiệp đầu mối quy mô kinh doanh lớn, như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm 86,6 tỷ đồng, cho tới các doanh nghiệp nhỏ, gồm Công ty CP Hóa đầu Quân đội (35,7 tỷ đồng); Lọc hóa dầu Nam Việt (24,6 tỷ), Công ty TNHH Vận tải bộ Hải Hà (45,6 tỷ), Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS (43,1 tỷ); Công ty TNHH Hải Linh (69,5 tỷ đồng)....
Trong khi đó, top 3 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lại có số dư quỹ lớn. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) dư tới gần 1.425 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội dư 218,5 tỷ; Saigon Petro dư 172,3 tỷ đồng...
Theo chu kỳ, chiều nay (19/8) sẽ là thời điểm liên bộ Tài chính - Công Thương công bố điều chỉnh giá xăng. Bảng giá thành phẩm tại thị trường Singapore được Bộ Công Thương cập nhật cho thấy, bình quân giá xăng RON 92 của chu kỳ này khoảng 49,44 USD mỗi thùng, tăng 5,2% so với chu kỳ liền trước (47 USD một thùng). Đặc biệt, với 14/21 doanh nghiệp đầu mối đang âm quỹ thì nhiều doanh nghiệp xăng dầu nhận định giá xăng dầu bán lẻ có thể tăng sau 4 lần giảm liên tiếp.
Chia sẻ với PV, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đầu mối đều cho rằng, mức tăng giá bán lẻ xăng trong kỳ điều chỉnh lần này sẽ ở mức khá cao, từ 500 đến 700 đồng một lít, dầu có thể giảm từ 200 đến 300 đồng một lít/kg nếu vẫn giữ nguyên mức thuế, trích quỹ với các mặt hàng như hiện tại.
Trước đó, tại kỳ điều chỉnh ngày 4/8, giá xăng RON 92 đã giảm khoảng 600 đồng xuống còn 14.690 đồng/lít trong khi giá các mặt hàng dầu được giảm từ 371 đồng đến 637 đồng/lít, kg.
Dương Yến (Theo Vnexpres, Dân trí)