10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023

Năm 2023 nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự điều hành của Chính phủ và các bộ ngành, sự nỗ lực của doanh nghiệp và người dân nên Việt Nam vẫn trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế - tài chính ngân sách so với các nước.

Tạp chí Tài chính doanh nghiệp lựa chọn và giới thiệu 10 sự kiện nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - tài chính năm 2023.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 1

1. Tăng trưởng GDP đạt trên 5%

Năm 2023, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận là quốc gia đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tình hình chung toàn cầu rất khó khăn, giúp nền kinh tế nước ta vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Khu vực nông nghiệp là điểm sáng và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định". Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Các hãng truyền thông lớn nhận định với nỗ lực tăng trưởng, Việt Nam đang nổi lên như một đối tác thương mại và điểm đến đầu tư hấp dẫn.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 2

2. Hoàn thành tốt thu ngân sách năm 2023 trong bối cảnh khó khăn

Thu ngân sách nhà nước đến ngày 27/12 đạt 1.7450 nghìn tỷ đồng, đạt 104,92% dự toán, dự kiến hết năm thu ngân sách nhà nước vượt xấp xỉ 10% trong bối cảnh tăng trưởng không đạt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau dịch, sức chống chịu của doanh nghiệp đến hạn, kết hợp với việc tiếp tục thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí (với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Kết quả thu ngân sách nhà nước cả năm như trên là kết quả hết sức tích cực, là dấu ấn quan trọng trong điều hành ngân sách nhà nước năm 2023.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 3

3. Nhiều chính sách giảm, giãn, gia hạn thuế, phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Năm 2023, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hàng loạt chính sách đã kịp thời được ban hành và đi vào cuộc sống hiệu quả, tiêu biểu là chính sách tài khóa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 79 nghìn tỷ đồng, gia hạn khoảng 121 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân doanh nghiệp.

Tính đến ngày 25/12, tổng số đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 115 nghìn tỷ đồng).

Bộ Tài chính xác định đây là các giải pháp cấp bách và căn cơ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và có đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 4

4. Ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất liên tiếp, đưa mức lãi suất huy động về mức thấp kỷ lục

Sau khi lãi suất tăng nóng trong những tháng cuối năm 2022, sang năm 2023, để theo sát diễn biến thực tế của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm lãi suất liên tục 4 lần, từ 0,5-2%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

Sau 4 lần giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm dần và về mức hiện tại - thấp hơn cả trước dịch Covid-19. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2%/năm so với cuối năm 2022.

Tính đến ngày 22/12/2023, lãi suất tiền gửi tiết kiệm 1-3 tháng được các ngân hàng đưa về mức 2,4-4,25%/năm, kỳ hạn 6-9 tháng trong khoảng 3,7-5,3%/năm, kỳ hạn 12 tháng trong khoảng 3,8-5,6%/năm.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 5

5. Xuất siêu đạt gần 30 tỷ USD

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Nhiều nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 4,4 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2009. Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục theo hướng khả quan, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Xuất siêu đang góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 6

6. Quốc hội ban hành thuế TNDN bổ sung

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, tạo mức độ tin tưởng giữa các Tập đoàn đa quốc gia trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế chủ trì nghiên cứu đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngày 29/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).

Đây là một bước đi cần thiết và với việc áp dụng từ ngày 01/01/2024, Việt Nam khẳng định vị thế và quyền đánh thuế của quốc gia, góp phần tăng cường hội nhập quốc tế và đưa hệ thống thuế theo sát với thông lệ quốc tế.

Theo đó, Việt Nam sẽ áp dụng 2 quy định: Quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu IIR áp dụng đối với các Tập đoàn của Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và Quy định thuế tối thiểu bổ sung nội địa đạt chuẩn QDMTT áp dụng đối với các Tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 7

7. Việt Nam đạt mốc 1.900 km đường cao tốc

Việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, có sự chuyển biến vượt bậc, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc.

Năm 2023 là năm có nhiều dự án cao tốc hoàn thành và khởi công mới nhất trong hơn một thập kỷ qua. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 729 km đường bộ cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là 1.892 km, đồng thời đang thi công khoảng 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 8

8. Biến động lớn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm

Trong năm 2023 thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm đều xuất hiện những vấn đề. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo, ban hành chính sách củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc để ngày càng phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch.

Diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 có biến động tăng giảm đan xen, với xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,1% so cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP năm 2022.

Đáng chú ý, ngày 15/8, hãng xe VinFast chính thức niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến thời điểm trên.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp với việc ra đời Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu. Từ tháng 7/2023, đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó đã góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường.

Đến 25/12/2023, đã có 78 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với khối lượng 245,9 nghìn tỷ đồng (giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022); khối lượng mua lại trước hạn là 230,2 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.

Thị trường bảo hiểm, trong năm 2023, do kinh tế khó khăn và những bất cập trong tư vấn bán hàng, đặc biệt là kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng làm phát sinh tranh chấp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm đã làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng đến quyết định mua bảo hiểm của người dân. Doanh thu phí bảo hiểm giảm 8% so với năm 2022.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định và Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 01 thông tư, cùng với những biện pháp gỡ khó cho thị trường bảo hiểm nên nhìn chung trong năm 2023 tổng tài sản tăng 11,1%, đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,8%, chi trả quyền lợi bảo hiểm tăng 31,3%.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 9

9. Thanh tra toàn diện, chấn chỉnh quản lý chung cư mini

Vụ cháy “chung cư mini” xảy ra đêm 12/9 tại phố Khương Hạ, Hà Nội đã làm 56 người chết, 37 người bị thương. Thảm họa này rung lên hồi chuông báo động về tình trạng buông lỏng quản lý xây dựng ở các khu đô thị, khu dân cư. 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cấp, ngành chức năng, các địa phương đã tổng rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý xây dựng, triển khai các giải pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ…, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

10 sự kiện kinh tế - tài chính nổi bật năm 2023 - Ảnh 10

10. Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định với nước ngoài

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết ngày 25/7/2023 mở thêm cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam. Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA và Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do song phương (VIFTA) với Israel, đến nay, Việt Nam đã ký và tham gia 16 FTA, đang tiếp tục đàm phán 3 FTA nữa là Việt Nam-EFTA (Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein), ASEAN-Canada, và Việt Nam-UAE.

Ngày 22/3/2023 tại Paris, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tổ chức lễ ký Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) với Việt Nam. Việt Nam là thành viên thứ 147 Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế. Đây là một khuôn khổ pháp lý quốc tế đa phương toàn diện nhất hiện nay, quy định bao quát các hình thức hợp tác quốc tế về hành chính thuế để giải quyết tình trạng trốn thuế, tránh thuế và các hình thức không tuân thủ khác, từ đó tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin thuế. Đồng thời, giúp gia tăng nhanh chóng mạng lưới trao đổi thông tin thuế với các bên tham gia MAAC.

Với việc tham gia vào các Hiệp định đã mang lại các kết quả tích cực trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và chứng minh cho sự bắt nhịp nhanh chóng của Việt Nam với các nước trên thế giới.

TCDN

TCDN
In bài viết
KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục