Xe ôm thời công nghệ số lên ngôi

(KDPL) - Sau khi GrabCar, Grabtaxi, UberX, Uber Black ra đời, đến nay các dịch vụ xe ôm công nghệ như Grabbike, Ubermoto của Grab, Uber… đã mang đến nhiều tiện ích cho người dân sử dụng bởi xe ôm công nghệ thường tiện lợi, rẻ và an toàn hơn xe ôm truyền thống. Với thái độ phục vụ nhã nhặn, lịch sự loại hình xe ôm này đang dần dần chiếm lĩnh thị trường của xe ôm truyền thống.

Gọi xe ôm bằng Smartphone

Mặc dù, chỉ mới xuất hiện trên thị trường không lâu, nhưng đến nay xe ôm công nghệ (tạm dịch là loại hình dịch vụ gọi xe) thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại thông minh Smartphone gần giống với loại hình của dịch vụ Uber và Grab. Với sự phát triển và phổ cập ngày càng rộng rãi của loại hình công nghệ này thì người dân không còn phải ra ngõ đón xe ôm mà chỉ cần một điện thoại kết nối mạng thì có thể đặt xe đi bất cứ đâu, với giá thành rẻ hơn xe ôm truyền thống rất nhiều. Ở loại hình xe ôm thông thường, các tài xế đều phải ra đường tìm khách, khách muốn đi xe phải tự tìm, khi đó các tài xế xe ôm sẽ tự đưa ra giá và khách hàng cũng phải trả giá để tránh bị “hớ”. Thậm chí ở một số nơi còn tranh giành khách giữa các lái xe ôm. Tuy nhiên, bằng cách ứng dụng công nghệ qua điện thoại này việc kết nối giữa khách hàng và tài xế trở nên rất đơn giản.

Xe ôm thời công nghệ số lên ngôi - Ảnh 1

Những xe ôm công nghệ số đang chờ khách tại Bến xe Mỹ Đình.

 

Với phụ nữ, người có tuổi không thông thạo đường xá nỗi lo sợ lớn nhất của họ là mỗi lần đi xe ôm là bị chặt chém. Tuy nhiên, với loại hình xe ôm mới này đã làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ  của nhiều người khi sử dụng dịch vụ này. Chị Cao Huyền Trang, trú tại Xuân La cho hay, dịch vụ này ra đời đã nắm bắt được tâm lý chung của những người cần tính tiện lợi và  nhanh chóng. Với giá cước khá rẻ khoảng 11 nghìn đồng/2 km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo loại hình dịch vụ này đã và đang đem lại cho người dân nhiều tiện ích mà những loại hình xe ôm truyền thống không thể đem lại được. Ngoài ra, khách đi xe còn biết đầy đủ thông tin về lái xe, từ họ tên, hình ảnh, biển kiểm soát đến số điện thoại nên sẽ yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ này. Chúng tôi không lo sợ bị chặt chém như mất công mặc cả giá như xe ôm truyền thống nữa. Mình đi xe này cảm thấy rất yên tâm về cung cách phục vụ cũng như rất yên tâm về giá.

Với điều kiện như hiện nay, để trở thành một lái xe ôm của Grab và Uber cũng rất đơn giản, chỉ cần có xe máy, một chiếc điện thoại Smartphone cùng với một số loại giấy tờ như đăng ký xe, bằng lái xe máy, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu... bất kể ai từ nhân viên văn phòng, sinh viên đều có thể đăng ký để trở thành ký trở thành một “xe ôm công nghệ” chuyên nghiệp với  thời gian hoạt động linh hoạt, tự do. Sau khi đăng ký xong, công ty sẽ hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo mưa, khẩu trang… và tài xế có thể bắt đầu làm việc. Do thủ tục nhanh chóng, đơn giản, không đòi hỏi quá nhiều điều kiện  khắt khe nên hầu như người nào có xe máy và điện thoại thông minh smarrtphone đều có thể trở thành lái xe ôm của các hãng này. Theo anh Đỗ Việt Hùng, quê Phú Thọ, tài xế của hãng Uberbike cho hay, mình thường bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng và kết thúc  là 23 giờ đêm, trung bình một ngày anh có thể chở được từ 20-30 chuyến trừ các chi phí như xăng xe, điện thoại, và 15% tiền anh phải nộp về cho công ty, một ngày anh có thể kiếm từ 300.000 đồng-350.000 đồng. Những hôm nhiều khách có thể anh thu nhập được cao hơn khoảng từ 400.000 đồng-450.000 đồng/ ngày. Nói chung công việc không quá vất vả mà thu nhập cũng khá ổn, nên đã có rất nhiều bạn trẻ đến để làm công việc này. “Cước phí rất rẻ lại được sự hỗ trợ của công nghệ nên số lượng người đi cũng nhiều hơn công thêm các khoản thưởng doanh số theo ngày, tuần, tháng nên thu nhập của các tài xế Uber có thể đạt trên dưới 10.000.000 đồng/ tháng. Đây cũng là con số mơ ước của những người làm lao động phổ thông như chúng tôi”, anh Hùng nói thêm.

Xe ôm truyền thống gặp khó...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Hà Nội hiện đang có hơn 7.000 xe GrabBike, và hơn 2.500 xe Uber được “phủ sóng” toàn thành phố. Những người lái xe GrabBike hay Uber chủ yếu là đội ngũ trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm phần đông, hơn 60%. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn đang là sinh viên tại các trường đại học quanh địa bàn thành phố hay những người làm văn phòng. Họ coi đây là nghề làm thêm sau giờ học, giờ làm chính thức để kiếm thêm thu nhập.

Xe ôm thời công nghệ số lên ngôi - Ảnh 2

Từ khi ra đời loại hình xe ôm công nghệ số này, những bác tài xe ôm truyền thống gặp rất nhiều khó khăn.

 

Để đăng ký tham gia vào đội ngũ xe ôm hiện đại này, họ phải xuất trình giấy tờ, đăng ký xe và các giấy tờ tùy thân như chứng minh thư, thẻ sinh viên, sổ hộ khẩu được lưu lại trên hệ thống nhằm quản lý chặt chẽ, và xử lý khi có bất kỳ tình huống không hay xảy ra với hành khách. Đối với khách hàng đặt xe ôm qua điện thoại, khách không cần phải trả giá vì cước phí đã được công bố rõ. Còn lái xe không cần phải ra ngoài đường tìm kiếm khách hàng. Dịch vụ này có ưu điểm nữa là khách hàng có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng.

Với nhiều tiện ích, lịch sự và đặc biệt là an toàn nên loại hình xe ôm mới này đã  tạo được nhiều niềm tin cho các khách hàng sử dụng dịch vụ này. Theo đó, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ xe ôm này ngày càng tăng cao từ 35% lên đến khoảng 65%. Chỉ với 3.000 đồng/km, chỉ bằng một nửa so với xe ôm truyền thống, thêm nữa là thái độ phục vụ nhã nhặn, lịch sự, văn minh, xe ôm truyền thống đã và đang dần dân chiếm lĩnh thị trường và trở nên quen thuộc với nhiều hành khách là học sinh, người nội trợ…

Theo anh Bùi Văn Nam, chạy xe cho hãng Grab cho biết, trước đây anh chạy xe ôm truyền thống được khoảng gần 10 năm, số lượng khách rất ổn, thu nhập trung bình cũng khá cao, tuy nhiên từ khi loại hình xe ôm công nghệ này ra đời thì số lượng khách hàng của anh đã giảm đi hơn một nửa. “Nếu như trước đây kiếm vài trăm một ngày là điều không quá khó thì nay có những ngày không kiếm nổi vài chục nghìn. Vì vậy tôi đã xin vào Grab, từ khi vào làm xe ôm cho hãng Grab này, mặc dù giá xe của hãng có rẻ hơn so với xe ôm truyền thống, tuy nhiên lượng khách hàng thường xuyên rất ổn định”, anh Nam chia sẻ.

Bác Phạm Đức Thành, lái xe ôm ngay trước cổng Đại học Thủ đô Hà Nội thì cho biết, “từ khi có xe ôm công nghệ cao thì lượng khách hàng của tôi đã giảm hẳn, nếu như trước đây thu nhập mỗi tháng của tôi vào khoảng 5 triệu đến 6 triệu một tháng thì giờ giỏi lắm thì cũng chỉ được tầm 2-3 triệu thôi. Giờ mình cũng già rồi, nên chỉ có chiếc xe này để chạy kiếm sống qua ngày”. Cũng theo bác Thành bác cũng muốn được tham gia và đội ngũ xe ôm công nghệ số, nhưng do tuổi tác lại không rành việc sử dụng điện thoại thông minh nên việc tiếp cận khách hàng cũng sẽ gặp nhiều hạn chế. Với những người lái xe ôm như bác Thành thì hầu như khách hàng chủ yếu là khách vãng lai hoặc người quen.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế việc thay đổi từ dịch vụ xe ôm truyền thống sang hình thức xe ôm hiện đại là lẽ tất yếu do sự phát triển ngày càng cao của công nghệ và internet do đó các doanh nghiệp buộc phải thay đổi áp dụng triệt để và hiệu quả các loại hình công nghệ hiện đại này. Sự ra đời của các loại hình xe ôm hiện đại đã khắc phục được nhiều nhược điểm của xe ôm truyền thống, tạo ra một số dịch vụ hoàn hảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng, người được hưởng lợi nhiều nhất đó chính là người tiêu dùng.

Đỗ Trần

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục