Vì sao hộ kinh doanh ngại việc "lên đời" thành doanh nghiệp?

(Kinhdoanhnet) - TP.HCM hiện có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp và dự kiến tới 2020 phải có ít nhất 100.000 hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, nhưng rất nhiều hộ vẫn ngại việc “lên đời” này.

Doanh nghiệp “ngại” nộp thuế

Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh cho biết, trong dữ liệu thống kê của Cục Thuế, Thành phố có hơn 36.000 hộ kinh doanh cá thể có thể phát triển thành doanh nghiệp.

Vì sao hộ kinh doanh ngại việc "lên đời" thành doanh nghiệp? - Ảnh 1
Nhiều hộ kinh doanh ngại việc "lên đời" thành doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Riêng năm 2017 có khoảng 21.000 hộ kinh doanh được Cục Thuế đánh giá là đối tượng tiềm năng mà cơ quan quản lý có thể vận động, hỗ trợ phát triển lên doanh nghiệp. Đây là những hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu/tháng ở những quận trung tâm và một số hộ kinh doanh thuộc các quận vùng ven với doanh thu khoảng 50 triệu đồng/tháng.

Có nhiều lý do khác nhau dẫn tới tình trạng nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp như ngại quy định thuế, ngại bị “hỏi thăm”.

Nhiều trường hợp hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp nhưng bị cơ quan thuế kiểm tra, bắt lỗi sổ sách, hóa đơn chứng từ... Có trường hợp bị phạt, truy thu mấy chục triệu đồng. Hộ kinh doanh được đóng thuế khoán, còn nếu lên doanh nghiệp, ngoài rủi ro bị truy thu thuế, hằng tháng còn phải tốn tiền thuê kế toán.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, hộ kinh doanh phải làm thủ tục tạm khóa mã số thuế, tạm ngưng kinh doanh để làm thủ tục chuyển đổi lên doanh nghiệp. Nhưng khi hộ kinh doanh liên hệ chi cục thuế thường không được chấp thuận và được yêu cầu phải giải thể, ngưng kinh doanh mới được xác nhận. Trở ngại này khiến nhiều hộ kinh doanh từ bỏ ý định lên doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Thị Bình Minh cho biết để phát triển 60.000 doanh nghiệp trong năm 2017 và 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, TPHCM xác định 2 nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và số lượng các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng bên cạnh chính sách khuyến khích, cần có biện pháp thực thi nghiêm túc với hộ đủ điều kiện, số lao động lớn nhưng không chịu lên doanh nghiệp để “né” nghĩa vụ.

Cần có chính sách “ vừa đẩy, vừa kéo” doanh nghiệp

Theo ông Đậu Anh Tuấn, cần có chính sách “vừa đẩy vừa kéo” để thúc đẩy hộ kinh doanh thành DN. Theo nhiều nghiên cứu của VCCI, khi hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh thì các hộ được hưởng thuế khoán và mức thuế khoán tăng nhanh hay chậm phụ thuộc cán bộ thuế và doanh thu, chi phí của DN. “Năm 2015, có nghiên cứu của một công ty tư vấn nghiên cứu hộ kinh doanh đã khảo sát 500 hộ kinh doanh và đưa ra kết luận 70% hộ kinh doanh thường xuyên thỏa thuận với cán bộ thuế về nghĩa vụ thuế phải nộp, có nơi có trường hợp cán bộ thuế hướng dẫn hộ kinh doanh lách thuế. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch và chính sự thiếu minh bạch này đã góp phần khiến các hộ kinh doanh ngại thành DN.

Do đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN thì cũng cần có chính sách nhất quán, quản lý hoạt động hộ kinh doanh một cách minh bạch, “vừa đẩy, vừa kéo” để khuyến khích họ chuyển đổi.

Còn theo ông Tô Hoài Nam muốn hộ kinh doanh phát triển lên DN quan trọng nhất là môi trường kinh doanh, cho họ thấy họ sẽ được lợi ích gì khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN. Muốn hộ kinh doanh chuyển sang DN cần có chính sách hỗ trợ toàn diện khâu sản xuất kinh doanh.

Cùng với việc xây dựng chính sách mới nhất quán hỗ trợ DN cần rà soát theo chính sách hiện hành, chính sách nào gây cản trở sự phát triển của DN và cần tháo gỡ,  có thể cản trở nằm ở luật, thông tư, chính sách địa phương. Mỗi địa phương thì phải đứng ở vị thế hộ kinh doanh để tháo gỡ và tạo thuận lợi cho họ. Cần có hỗ trợ về thủ tục hành chính, thuế...

Việt Chinh (Tổng Hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục