Sau nửa tháng bỏ áp trần, giá sữa vẫn ổn định

(Kinhdoanhnet) - Nhiều người lo lắng việc bỏ trần giá sữa sẽ khiến các doanh nghiệp cung cấp sữa trên thị trường đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, đến thời điểm này, lo lắng trên đã không xảy ra.

Ghi nhận trên địa bàn Hà Nội từ ngày 1/4/2017 đến nay, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn có nguồn cung dồi dào và giữ giá ổn định, duy trì ở mức thấp hơn hoặc bằng giá trần.

Sau nửa tháng bỏ áp trần, giá sữa vẫn ổn định - Ảnh 1
Bỏ áp trần giá sữa từ 1/4/2017. Ảnh minh họa

Về nguồn cung, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê, quý đầu năm 2017, tình hình sản xuất sữa vẫn tăng trưởng. Cụ thể, quý I/2017 sản lượng sữa tươi ước đạt 293,7 triệu lít, tăng 12,7% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 3/2017, sữa tươi đạt 104,2 triệu lít, tăng 2,1% so với tháng 3/2016. Đối với sữa bột, tháng 3/2017 đạt khoảng 8,3 nghìn tấn, tăng 15,5% so với tháng 3/2016, nâng sản lượng sữa bột quý I/2017 lên 25,8 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính từ 1/4/2017, Chính phủ đã thông báo dỡ bỏ chính sách bình ổn giá sữa bằng biện pháp giá tối đa để cho các DN sản xuất, nhập khẩu giá sữa tự quyết định mức giá bán thông qua việc đăng ký giá với Bộ Công Thương.

Như vậy sau nửa tháng bỏ áp giá trần, giá sữa về cơ bản vẫn ổn định. Thậm chí, từ đầu tháng 4 tới nay, Công ty sữa Cô gái Hà Lan và Công ty cổ phần Sóng Thần Hà Nội đã gửi thông báo điều chỉnh giá sữa tới Bộ Công Thương với mức điều chỉnh giảm giá từ 3-10% so với mức giá hiện nay.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Thông tư quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và thực phẩm chức năng, dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II/2017. Trong khi các quy định của Thông tư chưa được thực hiện, các DN có thay đổi về giá sẽ gửi thông báo về Bộ Công Thương.

Để bảo đảm quản lý hiệu quả giá sữa, Bộ Công Thương sẽ quản lý giá sữa theo chuỗi, từ khâu sản xuất, nhập khẩu cho tới khâu bán lẻ, trong đó tập trung vào quản lý giá sữa ở khâu bán lẻ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Các DN phân phối, nhập khẩu sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi có vẻ rất ủng hộ chủ trương này”.

Dự báo, trong thời gian tới, do lượng tiêu thụ không tăng, giá nhập khẩu ổn định, nguồn hàng của các doanh nghiệp còn khá dồi dào nên khi nhà nước kết thúc việc áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi nhưng vẫn có sự giám sát thông qua việc kê khai giá sữa trong nước sẽ không có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý.

Mai Anh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục