Sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc cần phải xử lý theo pháp luật

(KDPL) - Tại sao các sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã được đoàn thanh tra Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc kết luận rõ ràng như thế; vậy mà từ đó đến nay đã mấy tháng trôi qua, các sai phạm của ông Hùng vẫn chưa được đưa ra để mổ xẻ và xử lý theo các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành?

Hơn một tháng trở lại đây, sau khi báo Kinh doanh và Pháp luật đăng bài: “Phóng viên Dương Chí Sỹ bị treo bút - Cần công bằng trong xử lý sai phạm”. Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc từ nhiều địa phương trong cả nước. Các ý kiến của bạn đọc đều bày tỏ cách xử lý của báo Kinh doanh và Pháp luật là kịp thời và nghiêm túc, không bao che cho sai phạm. Tuy nhiên phần lớn các ý kiến bạn đọc đều đặt vấn đề: Tại sao các sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã được đoàn thanh tra Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Can Lộc kết luận rõ ràng như thế; vậy mà từ đó đến nay đã mấy tháng trôi qua, các sai phạm của ông Hùng vẫn chưa được đưa ra để mổ xẻ và xử lý theo các quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.

Trước đó, vào tháng 2/2017, chỉ vì chối bỏ trách nhiệm và sự gian dối và làm sai quy định của nhà trường của hai lãnh đạo Trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trong vụ tai nạn trong khuôn viên nhà trường mà cô Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc và cô Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng đã phải nhận quyết định kỷ luật: Cách chức và khai trừ ra khỏi Đảng từ các cấp có thẩm quyền. Bức xúc và bất bình trước sự việc này, Luật sư Phạm Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã có bài viết gửi báo Kinh doanh và Pháp luật. Dưới góc độ về pháp lý; Thạc sỹ, Luật sư Phạm Thanh Bình sau khi bày tỏ sự chia sẻ cảm thông với việc làm thẳng thắn chính trực của nhà báo Dương Chí Sỹ trong việc đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), đã phân tích, đánh giá về những sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc.

Sai phạm của ông Nguyễn Tiến Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc cần phải xử lý theo pháp luật - Ảnh 1
Luật sư Phạm Thanh Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Bảo Ngọc (Đoàn Luật sư Hà Nội) 

Luật sư Phạm Thanh Bình viết:

“Theo Kết quả thanh tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc, ông Nguyễn Tiến Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã có những sai phạm như sau:

- Thứ nhất: Không lên lớp như quy định của ngành nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp.

- Thứ hai: Thiếu trách nhiệm trong quản lí ăn bán trú của học sinh, không có thực đơn hàng ngày, nhà ăn lộn xộn không hợp vệ sinh.

- Thứ ba: Quản lí tiền thu từ phụ huynh, học sinh chưa đúng quy định.

Xem xét những sai phạm này dưới góc độ pháp luật thì thấy: Theo quy định tại điểm d và điểm g khoản 5 Điều 20 Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Trường tiểu học thì Hiệu trưởng có nhiệm vụ:

“d) Quản lí hành chính; quản lí và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính, tài sản của nhà trường;”

“g) Dự các lớp bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ quản lí; tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết trong một tuần; được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định;”

Theo quy định này, lẽ ra ông Hùng phải tham gia giảng dạy bình quân 2 tiết trong một tuần và được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định đối với số giờ lên lớp. Tuy nhiên, ông Hùng đã không lên lớp mà vẫn đứng ra nhận khoản tiền phụ cấp đứng lớp. Theo các thông tin được công bố thì quá trình thanh tra của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Can Lộc chưa xác định được số tiền ông Hùng đã nhận “khống” nhưng dù có là bao nhiêu đi nữa thì đây cũng là hành vi “tham nhũng vặt” mà nếu không ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm thì nó sẽ nhanh chóng trở thành “tham nhũng lớn”.Với kết luận thanh tra nói trên thì hành vi của ông Hiệu trưởng Nguyễn Tiến Hùng có dấu hiệu vi phạm được quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành là “Giả mạo trong công tác vì vụ lợi”. Khoản 3 Điều 23 Luật này cũng quy định: “Cơ sở giáo dục công lập phải công khai cam kết chất lượng giáo dục và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; việc thu, quản lý, sử dụng học phí, lệ phí tuyển sinh, các khoản thu từ hoạt động tư vấn, chuyển giao công nghệ, khoản hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục và khoản thu, chi tài chính khác theo quy định của pháp luật.”

Ngoài ra, hành vi “gài bẫy”, tố cáo lại nhà báo Dương Chí Sỹ của ông Nguyễn Tiến Hùng cũng có dấu hiệu của hành vi “trả thù người tố cáo” theo khoản 2 Điều 10 Luật Phòng chống tham nhũng.

Từ những nội dung nói trên, có thể thấy rằng việc vi phạm đạo đức của nhà báo Dương Chí Sỹ trong quá trình tác nghiệp do phát ngôn trong hoàn cảnh tức giận, thể hiện sự bất bình trước những sai phạm của Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc - do bị “gài bẫy” - thì đã bị xử lý nhanh chóng. Nhưng hành vi sai phạm có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của các em học sinh, gia đình học sinh, lợi ích nhà nước của ông Nguyễn Tiến Hùng thì vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Như vậy có thật sự công bằng?”

Trước đó, Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP. HCM) trong bài viết gửi báo Kinh doanh và Pháp luật đã bày tỏ chính kiến của mình. Luật sư viết:

Dân tộc ta giàu truyền thống tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắt cầu Kiều – Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy. Từ ngàn xưa, người thầy đứng trên cả đấng sinh thành theo quan niệm:Qquân, sư, phụ. Tuy thế sự thay đổi theo tháng năm, hình ảnh người thầy luôn hiện hữu trong tâm khảm của các thế hệ học trò.

Muốn được xã hội vinh danh “người đưa đò sang sông” phải thể hiện đức độ. Hay tin ông Dương Chí Sỹ - Phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật bị treo bút 06 tháng do "đụng chạm" tới ông Nguyễn Tiến Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh (PV Sỹ đưa tin về sai sót trong hoạt động của trường), tưởng nhà báo đã đặt điều cho ông Hiệu trưởng. Đến khi được xem bản giải trình của phóng viên gửi ông Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật tôi mới ngộ ra: Ông Dương Chí Sỹ bị “treo bút” không thích đáng. Theo tôi, Hội đồng kỷ luật báo cần cân nhắc thu hồi quyết định kỷ luật đối với PV Dương Chí Sỹ vì thiếu căn cứ pháp lý. Lẽ nào phóng viên “đi lang thang” phát hiện, phản ánh tiêu cực nhằm góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội lại bị quy kết vi phạm đạo đức nghề nghiệp?

Là nhà báo “nghiệp dư” nhưng tôi có tiếng nói ủng hộ PV Dương Chí Sỹ vì ông đã góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền… Tôi tin tưởng lãnh đạo báo Kinh doanh và Pháp luật bình tâm cân nhắc xóa đi “nỗi oan Thị Kính” đối với PV Dương Chí Sỹ… Còn với vai trò là một luật sư, tôi kiến nghị lãnh đạo Sở Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh và Phòng Giáo dục huyện Can Lộc cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Hà Tĩnh cần khẩn trương vào cuộc tiếp tục làm rõ những sai phạm của ông Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc Nguyễn Tiến Hùng, thu hồi tài sản về cho Nhà nước, xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.

BBĐ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục