Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia ‘mổ xẻ’ động lực tăng trưởng

Hôm nay (15/11), Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ cùng ngồi với giới chuyên gia trong nước và quốc tế để xác định rõ hơn các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong thời gian tới. Đây cũng là vấn đề rất "nóng" ở Quốc hội những ngày qua và nhiều đại biểu dự kiến đem vấn đề này chất vấn Chính phủ.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam (KHXH) - cơ quan tổ chức Hội thảo cho biết: “Thông điệp mà chúng tôi rất muốn truyền tải khi được Chính phủ giao tổ chức Hội thảo là khẳng định một cách khách quan nhất về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là thực chất cũng như Chính phủ đã rất nỗ lực trong tạo lập môi trường kinh doanh”.

Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia ‘mổ xẻ’ động lực tăng trưởng - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam. Ảnh: Báo Nghệ An
Thành quả đến từ sự chuẩn bị từ trước

Ông Thuấn cho biết tại Hội thảo sẽ có 4 báo cáo nhìn nhận cả quá trình phát triển từ năm 2011 tới nay và hướng tới năm 2020, gồm: Báo cáo tổng quan của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Báo cáo kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB), một báo cáo của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và báo cáo về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Hội thảo sẽ góp phần hệ thống và xác định rõ các điểm nghẽn cho tăng trưởng, đưa ra các giải pháp ngắn hạn, trung và dài hạn.

Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia ‘mổ xẻ’ động lực tăng trưởng - Ảnh 2
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Tuổi trẻ

Trong khi đó, một diễn giả của Hội thảo là TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng các luận cứ phải giải trình được về tăng trưởng quý III/2017 với mức tăng đột biến, gấp 1,5 lần so với các quý trước, để cho thấy “Chính phủ không tăng trưởng bằng mọi giá”.

“Vậy động lực tăng trưởng ở đâu ra khi mà giải ngân đầu tư công kém, khai khoáng- một trong những lĩnh vực chủ lực cho tăng trưởng GDP thì tăng trưởng âm, khu vực doanh nghiệp Nhà nước lắm chuyện lình xình…”, ông Thiên đặt ra vấn đề, đồng thời cho rằng nhìn nhận các động lực tăng trưởng phải nhìn cả một quá trình chứ không thể nhìn trong các lát cắt ngắn hạn để thấy được tính hợp lý của tăng trưởng kinh tế. 
Vẫn theo chuyên gia kinh tế này, chỉ dấu của chất lượng tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu đã xuất hiện sau nhiều năm Chính phủ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng. “Đầu tư công chưa đóng góp được nhiều cho tăng trưởng trong năm nay, nền kinh tế đã đón nhận những hiệu ứng từ khối tư nhân với hàng loạt dự án xây dựng lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước”, ông Thiên nói.

Ngoài ra, bằng quan sát của mình, ông Trần Đình Thiên cũng nhận định: “Bản thân các tuyên bố Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính cũng tạo cảm hứng cho xã hội rồi, nó lan toả sang các lĩnh vực, ngành khác và phải duy trì sự lan toả, thực thi thực chất trong 3 năm sau của nhiệm kỳ này, tức là ta phải tái cơ cấu nghiêm chỉnh thì đất nước sẽ khác”.

Phó Thủ tướng cùng các chuyên gia ‘mổ xẻ’ động lực tăng trưởng - Ảnh 3
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.


Trước đó, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phân tích về các nguyên nhân chính dẫn tới kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế. Theo ông Dũng, đó là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, cả khách quan, chủ quan, cả bối cảnh trong nước, quốc tế và hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo ra động lực tăng trưởng cho cả tổng cung và tổng cầu của cả nền kinh tế.

Về việc quý III năm nay GDP tăng trưởng đột nhiên “cao vọt”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, qua tổng hợp cho thấy cơ cấu giá trị GDP của một năm cũng có sự khác biệt, bình quân giá trị GDP của quý I chiếm 18%, quý II chiếm 24%, quý III chiếm 26%, quý IV chiếm 32% tổng giá trị GDP của cả năm và quý IV thường có một tỉ trọng lớn nhất và có một vai trò quan trọng quyết định tăng trưởng của cả năm.

“Việc tính toán GDP theo quý nhằm phục vụ công tác điều hành kế hoạch năm và để đánh giá kết quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế thì cần phải đánh giá cả năm và trung hạn, dài hạn”, ông Dũng nói và tiếp: “Nhìn chung chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2017 đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, tuy chưa phải ở mức độ cao nhưng cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng và đạt được ở mức độ cao hơn”.

Ông Dũng dẫn ra 10 chỉ tiêu được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và WB đưa ra để đánh giá chất lượng tăng trưởng. Chẳng hạn, tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức độ trung bình cao và tương đối ổn định trong cả giai đoạn 2011-2017, bình quân 7 năm của Việt Nam đạt 6,07%. Môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh của quốc gia đã có nhiều tiến bộ và được quốc tế đánh giá cao, được tăng bậc rất nhiều chỉ số trong thời gian vừa qua.

Tăng trưởng đã thúc đẩy phát triển và bảo đảm được công bằng xã hội…

Các chân kiềng của nền kinh tế

Trả lời câu hỏi đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế, tại diễn đàn Quốc hội, bên cạnh những ý kiến lo ngại về tính thiếu bền vững của tăng trưởng, thì nhiều ý kiến lạc quan đánh giá cao về quyết tâm cũng như hành động của Chính phủ.

Song, động lực mà xã hội nhìn thấy rõ là là sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể Chính phủ trong thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng. Cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và các Bộ trưởng đều phát biểu phân tích, làm rõ về các “chân kiềng” của nền kinh tế.

Như phân tích của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,7%. Đạt được kết quả này là nhờ cả 3 khu vực tăng trưởng khá đồng đều: Nông nghiệp tăng gấp hơn 4 lần cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp của toàn ngành công nghiệp đạt 8,7% (cùng kỳ là 7,3%), trong đó ngành chế biến, chế tạo đã tăng cao, 13,6%. Khu vực dịch vụ tăng 7,25%, cao nhất kể từ năm 2008. Thu hút khách du lịch đạt kỷ lục, khách quốc tế ước cả năm 13 triệu lượt, tăng 30%; khách trong nước ước cả năm 75 triệu lượt, tăng 12%. Ngoài ra, cả năm 2017 ước sẽ xuất khẩu khoảng 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD. Cả nước có 105.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký là 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,6% về số lượng doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký…

Việt Nam phải vừa có tăng trưởng cao hơn, vừa coi trọng chất lượng. Nếu tăng trưởng kinh tế không đạt sẽ làm mất cân đối các chỉ số vĩ mô khác, tác động tiêu cực tới ngân sách Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không bảo đảm được công bằng xã hội.

-Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ): “Chúng ta bán thêm dầu và khai thác thêm tài nguyên, khoáng sản bán để bảo đảm tăng trưởng thì sẽ bị hụt hơi không tăng trưởng được nữa vì hết các tài nguyên. Chúng ta lấy động lực tăng trưởng ở Samsung thì khi doanh nghiệp này có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay”.

-Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương): “Đột ngột giảm rồi đột ngột tăng GDP của cả quốc gia chỉ vì biến động sản phẩm của một vài doanh nghiệp FDI quả thật rất đáng lo ngại cho nền kinh tế”.

-Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực, chẳng hạn như phụ thuộc vào Samsung hay phụ thuộc vào một vài sản phẩm thép... mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế. Cả 3 khu vực và có đóng góp của các sản phẩm, đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh. Lần đầu tiên nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Điều đó nói lên chúng ta vừa tăng trưởng tích cực nhưng đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng”.

(Trích nội dung thảo luận kinh tế- xã hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV) 

Theo Đoàn Thanh/Chinhphu.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục