Chính phủ quyết giữ mục tiêu tăng GDP 6,7%

Quyết tâm bằng mọi giải pháp đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 2017 ở mức 6,7% một lần nữa được lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp thường kỳ tháng 4/2017 vừa diễn ra.

Ba kịch bản để đạt tăng trưởng GDP 6,7%

Tương tự những tháng trước, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội tại báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn được nhìn nhận là tích cực: Chỉ số giá tiêu dùng không tăng (dù giá dịch vụ y tế bước 2 được điều chỉnh tại 14 tỉnh, thành phố). Tín dụng tăng cao nhất trong 6 năm gần đây, đạt 4,86%. Vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng cao, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng hợp cả 4 tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tăng trưởng kinh tế còn thấp khi GDP quý I chỉ tăng 5,1%. "Nhiệm vụ thời gian tới do vậy rất nặng nề nếu muốn đạt mục tiêu GDP tăng 6,7% năm nay", ông nói. 

Tính toán của ngành kế hoạch cho thấy, muốn GDP 2017 tăng 6,7% thì bình quân mỗi quý còn lại tăng trưởng phải đạt 7,1%. Cụ thể: quý II tăng 6,26%, quý III là 7,29% và quý IV - 7,49%. Kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% trên GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng cùng với các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước… đều thuận lợi.

"Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, giữ lạm phát ổn định để đảm bảo các cân đối vĩ mô về ngân sách, nợ công, đầu tư...", Thủ tướng nói và tỏ ý đồng tình với các kịch bản tăng trưởng ngành kế hoạch đưa ra. Ông yêu cầu ngay sau phiên họp này Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục rà soát cụ thể từng chỉ tiêu, thống nhất với các bộ, ngành để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. 

chinh-phu-quyet-giu-muc-tieu-tang-gdp-6-7

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017.Ảnh: VGP

Bên cạnh những giải pháp chung nêu trên, những khó khăn của các ngành cụ thể như công nghiệp, nông nghiệp cũng được Chính phủ nhìn nhận cần sớm có giải pháp xử lý triệt để, điển hình là câu chuyện rớt giá của thịt heo vừa qua. “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Trước thực tế này, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bộ tìm ra nguyên nhân và giải pháp xử lý, đồng thời rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Tránh biến Việt Nam thành bãi rác công nghệ

Trước những vấn đề trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư rà soát lại tình hình thu hút, thực hiện các dự án này; đồng thời có biện pháp nâng cao chất lượng thu hút vốn, tránh biến Việt Nam thành nơi chuyển giao công nghệ lạc hậu.

Với ngành Công Thương, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phải xử lý xong 12 dự án thua lỗ trong năm 2018 và rà soát lại toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

“Việc xử lý 12 dự án thua lỗ, yếu kém phải theo thị trường, trong đó có những dự án cho phá sản, bán cho nhà đầu tư khác hoặc xem xét khôi phục để có sản phẩm ra thị trường”, ông nêu quan điểm Chính phủ trong xử lý số dự án này.

Ngành xây dựng cũng được đặt mục tiêu phải tăng trưởng ít nhất 10%; tập trung phát triển thương hiệu ngành hàng sản phẩm, nhất là xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh.

Còn ngành nông nghiệp, phải bảo đảm tăng trưởng trên 3% theo hướng cơ cấu mạnh mẽ hơn; tổng kim ngạch xuất khẩu ngành năm nay cần đạt ít nhất là 33 tỷ USD. Các Bộ được giao đẩy mạnh đàm phán tìm thị trường cho chăn nuôi.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nên bàn trực tiếp vấn đề hỗ trợ vốn cho nông nghiệp”, Thủ tướng nói, đồng thời yêu cầu tổng kết, nhân rộng các mô hình thí điểm tích tụ tập trung ruộng đất ở Thái Bình, Hà Nam, An Giang, Đồng Tháp, làm sao đúng pháp luật, quyền lợi lâu dài của doanh nghiệp và người nông dân, tránh tranh chấp, bất ổn.

Cho biết vừa ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh việc tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này với phương án, chương trình hành động cụ thể và định kỳ tháng 12 hằng năm phải báo cáo việc thực hiện.

Giải quyết các điểm nóng về đất đai

Cũng tại cuộc họp, diễn biến phức tạp ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm (Hà Nội) được lãnh đạo Chính phủ nêu như một ví dụ cần các bộ, ngành vào cuộc giải quyết các điểm nóng về an ninh trật tự, nhất là về đất đai. “Không thể nói là coi trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ an ninh trật tự xã hội được”, Thủ tướng nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ trưởng Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp lập lại trật tự, kỷ luật kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, không để tiếp diễn tình trạng vi phạm trong bổ nhiệm cán bộ, coi thường kỷ cương, kỷ luật hành chính; xử lý nghiêm các vi phạm, nhũng nhiễu, tiêu cực.

Cũng tại phiên họp tháng 4, Chính phủ đã nghe và thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của một số Nghị định: Quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu giá tài sản; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và Khai thác cảng biển; quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Chính phủ cũng nghe Bộ Tài chính báo cáo về việc thực hiện chính sách đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; Bộ Giao thông vận tải báo cáo về cơ chế, chính sách đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam...

Theo Anh Minh/Vnexpress

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục