Hình tượng con gà trong văn hóa tâm linh và đời sống của người Việt

(Kinhdoanhnet)- Gà là con vật rất đỗi gần gũi, quen thuộc, đem lại vô số những giá trị về cả tinh thần và vật chất cho các thế hệ người Việt. Từ xa xưa, gà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, thơ ca, hò vè, tranh vẽ và cả trong những thế võ cổ truyền của dân tộc. Hình ảnh con gà trong tâm thức người Việt luôn gần gũi, chứa đựng ý niệm thanh tao về cuộc sống, triết lí nhân sinh

Con gà hiện diện trong nhiều nền văn hóa Phương Đông và Phương Tây. Là vật nuôi từ được thuần hóa từ lâu trong lịch sử, gà gắn bó với cuộc sống con người, nhất là trong tôn giáo và thần thoại. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp với biểu tượng Dậu và cũng nằm trong lục súc.

Hình tượng con gà trong văn hóa tâm linh và đời sống của người Việt - Ảnh 1
Gà là con vật rất đỗi gần gũi, quen thuộc, đem lại vô số những giá trị về cả tinh thần và vật chất cho các thế hệ người Việt (Ảnh: Internet)

 Ngay từ thời cổ đại, gà đã là một loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo với tư cách là lễ vật (vật hiến tế hay vật tế thần).

 Trong truyền thuyết về vua An Dương Vương Thục Phán bỏ rất nhiều công xây thành nhưng đắp đến đâu thì đất lở đến đấy. Rùa thần hiện lên và báo cho nhà vua biết ở núi Thất Diệu có một con gà trắng sống đến ngàn năm rồi hóa thành yêu tinh ẩn trong núi, nếu diệt được nó thì việc xây thành sẽ thành công. Sau khi An Dương Vương giết được con gà trắng thì xây được thành.

Trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là một trong ba lễ vật thách cưới của Vua Hùng để gả con gái của mình là Mỵ Nương gồm: Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao.

Thời Tây Sơn, tương truyền rằng Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ “Hùng kê quyền” (quyền gà chọi) hay Hồng kê quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc. Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng kê quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu. Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.

Trong ca dao, thành ngữ con gà cũng là đối tượng để ông cha mượn thể hiện những suy nghĩ, mong muốn, truyền đạt kinh nghiệm. Ví dụ như: “Khôn ngoan đá đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chứ hoài đá nhau” hay “Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”…

Hình tượng con gà trong văn hóa tâm linh và đời sống của người Việt - Ảnh 2
Hình ảnh gà trong trong Làng Hồ (Ảnh: Internet)

Trong hội họa, đặc biệt với nét tranh Làng Hồ, hình ảnh chú lợn ủn ỉn, hình ảnh con gà cục tác lá chanh là những nét chấm phá về một làng quê Việt Nam an bình, với những triết lý sống nhân bản, thiên nhiên.

Hình ảnh con gà cũng chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa dân gian Việt, với tục thờ Mẫu, Thánh, Ngũ Phủ công đồng, ở những nơi này biểu tượng con gà được đứng ở vị trí trang trọng trước điện thờ tiên thánh.

Có sách cổ lại nói gà trống mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử:  văn, võ, dũng, nhân, tín.  Điều này khá hợp lý, trong “Hõa kinh” giải thích rằng: “Ngũ đức: Đầu đội mũ là văn; bước đi nhanh là võ; gặp địch dám chiến đấu là dũng; có miếng ăn là biết gọi đàn là nhân; luôn canh gác ban đêm là tín”.

Dù là với vai trò nào, hình ảnh con gà đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống người Việt Nam, biểu tượng cho những điều may mắn, tốt lành, an khang và thịnh vượng

(Phan Giang- Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục