Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù 7 năm

(Kinhdoanhnet) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tăng mức xử phạt với các trường hợp nợ đóng hoặc chậm đóng BHXH, riêng trường hợp trốn đóng có thể bị phạt tù đến 7 năm.

Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong hai tháng đầu năm 2017 đã lên tới hơn 14.800 tỷ đồng. Trong đó, số nợ BHXH có thời gian từ 3 tháng trở lên thường xuyên chiếm tới 60-70%.

Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù 7 năm - Ảnh 1
Trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị phạt tù 7 năm. Ảnh minh họa

Trong số tiền nợ bảo hiểm xã hội, có khoảng 1.400 tỷ đồng tiền nợ của các doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn... Người lao động của những doanh nghiệp này dù đã chuyển nơi làm 3, 4 lần ;nhưng vẫn chưa được chốt sổ BHXH trong thời gian làm việc ở những doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp nhận định, tình trạng DN cố tình không đóng BHXH, BHTN là nguyên nhân chính dẫn đến nợ đọng BHXH, nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân quản lý lao động chưa chặt chẽ, việc khai báo tăng giảm lao động của các DN thực hiện không nghiêm túc, chế tài xử phạt còn nhẹ.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng thông tin thêm, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tăng mức xử phạt với các trường hợp nợ, chậm đóng BHXH. Riêng đối với trường hợp trốn đóng có thể bị phạt tù đến 7 năm.

“Bên cạnh đó, để giảm tình trạng nợ, trốn đóng BHXH, Bộ LĐTBXH đề xuất đồng bộ các giải pháp khác như tăng mức phạt vi phạm hành chính, tăng cường thanh tra. Một trong các giải pháp quan trọng mà BHXH Việt Nam cần sớm triển khai là minh bạch thông tin về tình trạng đóng BHXH. Theo đó, người lao động có thể truy cập biết thông tin tình trạng đóng để yêu cầu chủ lao động phải đóng BHXH, qua đó đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Liên quan đến số nợ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Khoản nợ BHXH mà doanh nghiệp phá sản, bỏ trốn đang ảnh hưởng tới hàng nghìn lao động. Do đó, tôi đề xuất Bộ LĐTBXH khoanh nợ lại để xử lý chế độ cho người lao động. Trong Luật BHXH cũng có quy định giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH báo cáo Chính phủ để xử lý đảm bảo quyền lợi cho người lao động”.

Ông Lợi cho biết, từ 1/1/2018 Việt Nam sẽ mở rộng đối tượng tham gia đóng BHXH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30% trong tổng số 22% đóng BHXH cho những hộ lao động là hộ nghèo và 20% cho các hộ cận nghèo, 10% cho các đối tượng khác. Đây là “cái gậy” để chúng ta đảm bảo bền vững chính sách BHXH.

Tuy nhiên, ông Lợi cũng cho biết thêm, hiện nay cả nước vẫn có khoảng 3 triệu người tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đóng và 8 triệu người làm công ăn lương nhưng không tham gia BHXH. Những đối tượng này cần có chính sách thu hút để tăng thêm cân đối cho quỹ BHXH.

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục