Những chính sách có hiệu lực từ tháng 12/2014

(Kinhdoanhnet) - Bắt đầu từ 1/12/2014, hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực.

Tăng thời hạn Giấy phép lái xe hạng B1

Theo thông tư 48/2014/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12, quy định về thời hạn của giấy phép lái xe được sửa đổi, bổ sung như sau: giấy phép lái xe hạng B1 (ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi, ô tô tải dưới 3,5 tấn không kinh doanh vận tải) cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam. Trong trường hợp giấy phép lái xe cấp cho người trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp.

Như vậy, thông tư 48 cho phép lái xe hạng B1 có thời hạn thẳng đến tuổi nghỉ hưu luôn mà không phải làm thủ tục cấp lại sau mỗi 10 năm theo như quy định cũ.

Taxi sẽ phải in hóa đơn trả cho hành khách

Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có những điểm mới đáng chú ý sau:

- Lái xe vận tải hành khách theo hợp đồng phải mang hợp đồng vận tải và danh sách hành khách có xác nhận của doanh nghiệp (trừ xe phục vụ đám tang, đám cưới).

- Từ ngày 01/7/2015, đối với xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp phép trước khi thực hiện hợp đồng.

- Từ ngày 01/7/2016, xe taxi phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn và trả cho hành khách.

Nghị định 86 có hiệu lực từ 01/12/2014 và thay thế Nghị định 91/2009/NĐ-CP,93/2012/NĐ-CP.

Đơn, thư nặc danh tố cáo tham nhũng được chấp nhận

Đơn tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì được xử lý theo quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự. Người xử lý đơn tố cáo phải giữ bí mật tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo; bảo vệ người tố cáo và người thân của người tố cáo khi có yêu cầu. Đơn kiến nghị, phản ánh cũng không phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người phản ánh kiến nghị như quy định hiện hành nữa mà chỉ cần ghi rõ nội dung phản ánh, kiến nghị là đủ điều kiện được xử lý.

Những chính sách có hiệu lực từ tháng 12/2014 - Ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngoài ra, đơn đủ điều kiện xử lý là đơn đã được xử lý nhưng người khiếu nại, tố cáo có quyền khiếu nại, tố cáo tiếp theo quy định của pháp luật (theo quy định hiện hành trường hợp này người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh phải cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới đơn mới được xử lý). Đơn đã gửi cho nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong đó đã gửi đúng nơi giải quyết và đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng nội dung thì sẽ không đủ điều kiện xử lý. Thông tư 07/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ về việc quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thay thế thông tư 04/2010/TT-TTCP và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-12 quy định.

Phạt tiền tỷ với VPHC trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa mới được ban hành, từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 500 – 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật...

Đặc biệt, Nghị định quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tiêu chí hỗ trợ tiền điện

Từ ngày 15-12, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện khi có một trong ba tiêu chí: có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng không thuộc diện hộ nghèo theo quy định của pháp luật và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 KWh ở vùng có điện lưới; có thành viên đang hưởng trợ cấp xã hội sống ở vùng chưa có điện lưới; hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng chưa có điện lưới.

Trường hợp hộ có nhiều thành viên hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng hoặc thuộc diện được hỗ trợ tiền điện theo các chính sách khác nhau thì chỉ được hưởng một mức hỗ trợ tiền điện cao nhất. Trước đó, theo quy định hiện hành, Chính phủ hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Quyết định 60/2014/QĐ-TTg quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện quy định.

Bảo dưỡng ô tô 6 tháng/lần

Từ 01/12/2014, Thông tư 53/2014/TT-BGTVT quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, chu kỳ bảo dưỡng định kỳ được quy định như sau:

Ô tô con đi từ 5.000 - 10.000 km hoặc thời gian từ 6 tháng.

Ô tô chở người, ô tô chở người chuyên dùng từ 10 chỗ trở lên đi từ 4.000 - 8.000 km hoặc thời gian từ 3 - 6 tháng.

Ô tô tải, ô tô tải chuyên dùng; rơmoóc, sơmi rơmoóc các loại; ô tô chuyên dùng đi từ 4.000 - 8.000 km hoặc thời gian từ 3 - 6 tháng.

Thông tư này thay thế Quyết định 992/2003/QĐ-BGTVT.

Dương Oanh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục