Nắng nóng kéo dài, dân khốn khổ vì tôm chết trắng đồng

(Kinhdoanhnet) - Nhiều ao sau khi tôm chết được bỏ hoang, có người cố gắng xử lý cải tạo chờ 1-2 tháng tới khi có cơn mưa đầu là thả vụ mới hi vọng gỡ lại ít vốn.

Xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) dù người nuôi đã thận trọng trong việc thả tôm giống, thế nhưng không ít hộ phải sớm chịu cảnh thiệt hại khi tôm thả nuôi được 15 - 20 ngày đã chết hàng loạt. Ông Lê Bính (tổ dân phố Hà Liên, phường Ninh Hà) nói: Gia đình tôi thả nuôi 50 vạn con giống, đến nay đã được gần 1 tháng. Thế nhưng khi được 15 ngày thì tôm bắt đầu chết hơn 50%, số còn sống cũng rất chậm lớn. Nguyên nhân là do nắng nóng nên nước cô lại, độ mặn tăng cao; trong khi đó, tôm giống còn nhỏ, sức đề kháng yếu nên bị chết...”.

Anh Trương Lê Thế Vinh (xã Ninh Lộc) cho biết, gia đình anh nuôi gần 1ha tôm thẻ chân trắng, thả khoảng 60 vạn con giống, mới khoảng 10 ngày sau là bắt đầu chết. Đến nay sau 2 tháng cầm cự tôm đã “bơi chó”, đỏ thân mà chết gần một nửa, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng.

Đa số các hộ nuôi tôm đều không biết nguyên nhân gây chết tôm, đều cho rằng tôm bị các loại bệnh nên bỏ ra khá nhiều tiền để “xử lý” thuốc kháng sinh hoặc thu non chạy nóng. Anh Nguyễn Thành Nhân, với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề nuôi tôm, nói, yếu tố đầu tiên gây tôm chết hàng loạt trong thời gian gần đây chính là nắng nóng. “Đêm xuống rồi mà nước còn nóng như ai nấu thì con tôm nào chịu nổi” – anh Nhân nói. Cũng theo anh Nhân, không mưa, khô hạn kéo dài làm thiếu nước rửa trôi ô nhiễm, tăng độ mặn đột ngột … cũng là một trong những nguyên nhân chính làm chết tôm”

Nắng nóng kéo dài, dân khốn khổ vì tôm chết trắng đồng
Nắng nóng kéo dài, dân khốn khổ vì tôm chết trắng đồng (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của xã Ninh Lộc, từ đầu vụ đến nay, nông dân trên địa bàn xã thả nuôi chưa đến 15% trong tổng diện tích hơn 320ha.

Theo bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh, nuôi tôm trong mùa nắng nóng, người dân cần lưu ý việc duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m; tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Mật độ nuôi cần vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý ao nuôi; định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi; tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi...

“Có thể nói tôm chết là do nóng và tôm bị sốc môi trường. Nắng nóng kéo dài, không có mưa làm cho độ mặn ở vùng nuôi tôm tăng lên từ 14-25 phần nghìn lên đến 30 – 37 phần nghìn. Nhiệt độ trong ngày - đêm chênh lệch quá cao. Cứ độ 3 giờ chiều là dù không có mưa nhưng lại dông gió, làm cho bề mặt giàu ô xy, tôm nhoi lên đột ngột, gặp lúc nước bề mặt đang nóng nên sốc mà chết. Ngoài ra, nhiều hộ đang nuôi tôm với mực nước quá thấp (8,8 – 1m), nắng nóng sẽ làm lượng nước bốc hơi nhanh, nước nóng như luộc tôm trong ao thì tôm làm sao sống nổi” bà Thúy nói.

Hiện nay, Chi cục đang tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh NTTS trên địa bàn, theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi để nắm tình hình. Nếu gặp bất trắc trong quá trình nuôi như: dịch bệnh, thời tiết..., ngành chức năng sẽ có hướng dẫn kịp thời cho người nuôi.

Ly Mạch (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục