Áp biện pháp thương mại tự vệ nếu ô tô nhập khẩu tăng đột biến

(Kinhdoanhnet) - Trước nguy cơ xe nhập tăng đột biến, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu biện pháp tự vệ nếu xe nhập tăng đột biến, ảnh hưởng sản xuất trong nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô.

Áp biện pháp thương mại tự vệ nếu ô tô nhập khẩu tăng đột biến - Ảnh 1
Áp biện pháp thương mại tự vệ nếu ô tô nhập khẩu tăng đột biến. Ảnh minh họa
Thời gian vừa qua, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đã tiếp tục phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã có thêm nhiều sản phẩm ô tô, mẫu mã ngày càng đa dạng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đã sản xuất được những sản phẩm có tiêu chuẩn quốc tế. Ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô đã đạt được những kết quả phát triển bước đầu quan trọng, cung cấp được một số phụ tùng, linh kiện, thiết bị đáp ứng một phần nhu cầu cho sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và đã có một số sản phẩm xuất khẩu. 

Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như tỷ lệ nội địa hóa còn thấp chưa đạt như mong muốn, mục tiêu đã đề ra; giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô còn cao, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và khu vực…

Thời điểm năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam bằng 0%, những khó khăn đặt ra ngày càng lớn cho sản xuất xe hơi tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các ban ngành liên quan lập Tổ công tác liên ngành đánh giá toàn diện thị trường ô tô Việt Nam trong mối tương quan với thị trường khu vực và thế giới, đặc biệt đánh giá cơ hội và thách thức đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô Việt Nam từ thời điểm năm 2018 trở đi (khi thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm về 0%).

Ngoài ra, cần dự báo cung cầu ô tô trong nước và khu vực; đánh giá năng lực thực tế, tiềm năng phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong nước với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Việt Nam tiếp tục mở cửa thị trường và thực hiện giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc theo các cam kết quốc tế; nghiên cứu khả năng áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nguyên chiếc nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước...

Về giải pháp chống gian lận thương mại xe nhập khẩu nguyên chiếc và chính sách thuế đối với xe cũ. Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quản lý chặt chẽ trị giá tính thuế xe nhập khẩu, xuất xứ xe nguyên chiếc (chủ yếu từ ASEAN) nhằm chống gian lận thương mại. Nghiên cứu đánh giá lại mức thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với xe ô tô bán tải (pick-up) đề xuất điều chỉnh phù hợp.

Đối với ô tô cũ đã qua sử dụng nhập khẩu kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp chính sách, không để lợi dụng, gian lận thương mại, không để xe ô tô kém chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam.

Thu Hà (TH theo Dân trí, Kinh tế Đô thị)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục