Đề xuất đưa "quyền được chết" vào luật: Nhiều ý kiến trái chiều

(Kinhdoanhnet) - Trong khi đa số độc giả đồng tình đưa quyền được chết vào Luật thì các Giáo sư, Tiến sĩ y khoa lại có nhiều quan điểm khác nhau.

Liên quan đến Đề xuất đưa "quyền được chết" vào luật, đến nay có nhiều tranh luận trái chiều. Trao đổi với báo VNE, Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thẳng thắn: "Không có cái gì được gọi là cái chết nhân đạo, chết là tình huống xấu nhất”.

Từng đi thăm bệnh viện ở nhiều nước, Phó giáo sư Dũng chứng kiến nhiều người bệnh đau đớn, phải sống thực vật, nhưng các bác sĩ vẫn trân trọng, giúp bệnh nhân sống thêm ngày nào tốt ngày ấy. Nhật Bản còn có nơi chăm sóc trợ giúp về tâm lý cho những người ung thư giai đoạn cuối. Với trường hợp này, khoa học không còn biện pháp nào để cứu chữa, không còn loại thuốc nào có thể phát huy tác dụng, nhưng chỉ bằng trợ giúp tinh thần, nhiều người đã kéo dài sự sống.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho rằng, quyền được chết cần xét ở nhiều khía cạnh, từng hoàn cảnh cụ thể. Lấy ví dụ, có bệnh nhân tiên lượng chính xác, bác sĩ không thể làm gì hơn. Nếu tiếp tục điều trị sẽ gây tốn kém cho gia đình, thậm chí dẫn đến khuynh gia bại sản. Với trường hợp này, bác sĩ giải thích cho gia đình, gia đình đồng ý thì bác sĩ có quyết định.

Tuy nhiên, có bệnh nhân bác sĩ tiên lượng còn hy vọng, có thể cứu được, nhưng gia đình vì nhiều lý do nhất quyết xin cho người bệnh về chết. Trường hợp này gây nhiều khó khăn cho bác sĩ, đòi hỏi tư vấn cặn kẽ cho gia đình, nhưng cũng không thể nói “để bệnh nhân lại thì cứu chữa được, vì nhiều khi cơ hội chỉ có thể là 20%”. Thực tế, người nhà bệnh nhân vẫn có thể đưa ra quyết định.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai thì cho rằng, bản thân ông rất ủng hộ đề xuất của Bộ Y tế, trong nhiều trường hợp, đây chính là lối thoát cho bệnh nhân.

Đồng quan điểm, bác sĩ Võ Xuân Sơn cho rằng "quyền được chết" là do bệnh nhân lựa chọn chứ không phải do người thân hay bác sĩ quyết định. Khi bệnh nhân muốn thì người nhà bệnh nhân cũng không được quyền giữ và bác sĩ cũng vậy.

Trong lời thề Hypocrate, lời khuyên y đức của Hải Thượng Lãn Ông thì nguyên tắc là còn nước còn tát, còn sống là còn cứu chữa cho đến hơi thở cuối cùng, khi bệnh nhân không còn các chỉ số sinh tồn nữa. Lúc đó người ta tự chết, tự trở về thế giới bên kia, trách nhiệm của người thầy thuốc khi đó mới kết thúc.

Bởi vậy, dù đồng tình với lối thoát "cái chết nhân đạo" nhưng rất nhiều bác sĩ còn trăn trở về vấn đề này.

Theo một khảo sát được thực hiện bởi báo Vnexpress trên hơn 18.000 độc giả, có đến 84% độc giả đồng ý đưa quyền được chết vào Luật và chỉ có 16% độc giả phản đối.

Bạn đọc Nguyễn Dung (Tp.HCM) bày tỏ: "Sống mà đau đớn mỗi ngày, bị hành hạ khổ sở thì sống không bằng chết. Ăn không được, ngủ không được mà lại không có hy vọng chữa khỏi, chỉ nằm trên giường đón nhận cơn đau và chờ ngày ra đi thì cái chết nhẹ nhàng là cần thiết đối với những trường hợp như vậy. Giúp bệnh nhân nan y được chết là công việc nhân đạo mà không ai dám làm vì chưa có luật định".

Cũng đồng tình với việc đưa quyền được chết vào Luật, bạn đọc Quang Nguyễn (Nam Định) viết: "Tôi thấy nên bổ sung luật này vì rất hợp lý, những người kinh tế khó khăn mà bệnh nan y không thể chữa khỏi vậy hãy cho người đó 1 cơ hội, nhưng cơ hội này là do họ chọn, trước khi cho họ chọn cần phải cho họ hiểu bệnh tình của mình chỉ cho họ chết khi chính họ đồng ý và người thân không được can thiệp vào vấn đề này".

Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản. 

"Về mặt luật pháp, chúng ta có quyền được khai sinh, khai tử, nhưng trên hết là quyền được sống. Sao chúng ta lại không đặt vấn đề về quyền được chết? Như vậy có phải là hành vi giết người? Bác sĩ cho người ta chết về bản chất là giết người, theo pháp luật sẽ bị xử lý hình sự, nhưng nếu pháp luật cho phép có chủ đích thì vẫn có thể được", tiến sĩ Quang nói. 

Hiện, trên thế giới đã có một số nước cho phép đưa cái chết nhân đạo vào luật gồm: Hà Lan, 4 bang của Mỹ, Bỉ, vài bang của Thụy Sĩ... Ở những nơi này, khi bệnh nhân tỉnh táo, đủ năng lực hành vi dân sự, đủ khả năng nhận thức hành vi của mình, đủ 18 tuổi thì có quyền lựa chọn cái chết nhân đạo bằng chúc thư hoặc yêu cầu bác sĩ chứng nhận. Với trường hợp sống thực vật, quyền lựa chọn thuộc về gia đình.

Đức Hoan (Th)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục