Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ đắc lợi?

(Kinhdoanhnet) - Nhà Trắng cảnh báo nếu Mỹ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) như Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa thì điều này sẽ đẩy đất nước vào thế bất lợi và chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

Từ bỏ TPP sẽ là một "thời cơ bị bỏ lỡ" đối với người Mỹ

Trong kế hoạch làm việc trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức mới công bố, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ không theo đuổi hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gọi đây là "thảm họa tiềm ẩn với nước Mỹ".

Mỹ rút khỏi TPP, Trung Quốc sẽ đắc lợi? - Ảnh 1
Rút khỏi TPP, Trump có thể trao món quà lớn cho Trung Quốc. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, Nhà Trắng cảnh báo nếu Mỹ từ bỏ TPP như ông Trump đã hứa thì điều này sẽ đẩy đất nước vào thế bất lợi và chỉ làm lợi cho Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết việc từ bỏ TPP sẽ là một "thời cơ bị bỏ lỡ" đối với người Mỹ, đồng thời lưu ý rằng việc Chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy dàn xếp thương mại của riêng nước này sẽ "gây bất lợi" cho các doanh nghiệp Mỹ.

Trump đang trao "quà" cho Trung Quốc

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, nếu ông Trump thực hiện đúng tuyên bố này và hủy bỏ TPP, đây sẽ là một món quà vô giá mà ông trao cho Trung Quốc ngay sau khi lên nắm quyền và Bắc Kinh không mong muốn gì hơn thế từ Washington.

Cây bút Linette Lopez của Business Insider cho rằng khi rút khỏi TPP, Mỹ sẽ để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn cả về kinh tế, thương mại, chính trị ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ nhanh chóng lấp đầy khoảng trống đó, khiến các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực phải co mình lại.

Lopez cho rằng vũ khí lợi hại nhất mà Trung Quốc sẽ tung ra sau khi nhận "món quà vô giá" từ Trump chính là sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" và những thỏa thuận kinh tế khác tạo dựng ảnh hưởng về kinh tế và chính trị đối với những quốc gia này, đẩy họ ngày càng xa khỏi Mỹ.

Chuyên gia phân tích Meredith Sumpter của Eurasia Group cũng cho rằng Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội một khi TPP bị đóng băng. "Trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ theo đuổi hiệp định thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với các quốc gia ASEAN và các đối tác thương mại khác ở châu Á – Thái Bình Dương", Sumpter nói.

Trung Quốc vui mừng nhận "quà"

Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã được nghe chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng TPP - thỏa thuận thương mại gồm 12 quốc gia thành viên - là một cách thức nhằm gia tăng vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Á.

Trung Quốc không tham gia TPP, và Tổng thống Obama đã nhắc nhở khu vực rằng điều này không phải là tình cờ. TPP cho phép Mỹ - chứ không phải các quốc gia như Trung Quốc - thiết lập các quy định trong thế kỷ 21, điều đặc biệt quan trọng tại một khu vực năng động như châu Á-Thái Bình Dương.

Không chỉ là các quy định về thương mại, TPP còn là “hạt nhân” trong chính sách “xoay trục” sang châu Á của chính quyền tổng thống Obama. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter từng nói rằng, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, TPP cũng giúp tăng cường các mối quan hệ then chốt của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, chứng tỏ cam kết của Mỹ với khu vực và thúc đẩy các giá trị Mỹ.

Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc đã sẵn sàng nhảy vào lấp chỗ trống quyền lực mà Mỹ để lại.

Tại hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Lima, Peru vào cuối tuần vừa rồi, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo trong khu vực rằng giờ là thời điểm cho các mối quan hệ thắt chặt, các giải pháp các bên cùng có lợi, và các sáng kiến chiến lược. 

Ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ không đóng cửa mà sẽ mở rộng hơn nữa cánh cửa đối với thế giới bên ngoài.

Các quan chức Trung Quốc tháp tùng ông Tập trong chuyến đi này không bỏ phí thời gian mà thay vào đó tích cực chuẩn bị cho việc tái khởi động đàm phán các thỏa thuận thương mại mà Bắc Kinh khởi xướng, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Khu vực Mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

Những động thái này diễn ra trong khuôn khổ sáng kiến “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, thương mại, và ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc trên toàn châu Á. 

Trâm Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục