IMF: Kinh tế châu Á đối mặt hàng loạt rủi ro

(Kinhdoanhnet) - Sự thắt chặt các điều kiện tài chính, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, dân số già ... là những rủi ro mà kinh tế châu Á có nguy cơ phải đối mặt, theo cảnh báo từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Chưa kịp giàu đã già

Báo cáo về viễn cảnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương của IMF công bố ngày 9/5 cảnh báo, dân số già đang trở thành thách thức không chỉ ở các quốc gia đã phát triển, mà ở cả những nước đang phát triển của châu Á.

IMF: Kinh tế châu Á đối mặt hàng loạt rủi ro - Ảnh 1
Dân số già hiện đang là rào cản phát triển kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa: Getty

Trong vài thập kỷ qua, châu Á đã hưởng lợi rất lớn từ dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào nhưng tình trạng già hóa đang diễn ra nhanh chóng, khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già".

Theo IMF, già hóa đang là thách thức đặc biệt đối với các quốc gia châu Á. Trong khi mức thu nhập bình quân đầu người tại một số khu vực còn thấp thì tại nhiều khu vực, dân số đang già đi nhanh chóng.

Tỉ lệ tăng trưởng dân số ở châu Á được dự kiến sẽ rơi xuống mức zero vào năm 2050, và số dân trong độ tuổi lao động, hiện ở mức đỉnh điểm, sẽ giảm sút trong những thập niên tới.

Số dân tuổi 65 trở đi sẽ gia tăng nhanh chóng và đạt gần đến ngưỡng gấp 2,5 lần vào năm 2050 so với mức hiện tại, theo báo cáo. Điều này có nghĩa là nhân khẩu học có thể tước mất 0,1 điểm phần trăm trong tỉ lệ tăng trưởng thường niên của toàn cầu trong 3 thập niên tới.

Trong đó, Nhật Bản là quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất từ tình trạng già hóa dân số, cả trong hiện tại và tương lai. Quốc gia này đã mất 7% lực lượng lao động trong vòng 2 thập kỷ qua, báo cáo của IMF cho biết.

Tỉ lệ dân số Nhật Bản sống dựa vào lương hưu có thể là nguyên nhân đằng sau thói quen tiết kiệm quá mức và đầu tư thấp, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng và bị cho là góp phần khiến tỉ lệ lạm phát không đạt mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương nước này.

“Kinh nghiệm từ Nhật Bản đặc biệt cho thấy xu hướng già đi của dân số có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng, động lực lạm phát và chính sách tiền tệ hiệu quả”, theo IMF.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại

Theo IMF, sự thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu có thể dẫn tới sự biến động về dòng vốn, đồng thời cũng cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng tại một số đối tác thương mại lớn sẽ đặt ra nguy cơ lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với sự tham gia đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khu vực này có thể trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự suy yếu của hoạt động thương mại thế giới.

“Khả năng xảy ra một sự dịch chuyển theo hướng chủ nghĩa bảo hộ ở các nước đối tác thương mại lớn cũng đặt ra một rủi ro lớn đối với khu vực. Châu Á đặc biệt dễ chịu tổn thương trước sự giảm sút của thương mại toàn cầu bởi khu vực có một độ mở cao về thương mại, với sự tham gia lớn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, báo cáo viết.

IMF khuyến cáo rằng tỷ giá linh hoạt nên tiếp tục giữ vai trò công cụ chính để hấp thụ các cú sốc nếu xảy ra sự thắt chặt đột ngột các điều kiện tài chính toàn cầu hoặc một sự dịch chuyển về hướng chủ nghĩa bảo hộ.

Áp lực lạm phát 

Theo các chuyên gia của IMF, chính sách tiền tệ nói chung nên duy trì nới lỏng ở khu vực này, bởi lạm phát đang ở dưới mục tiêu và nhu cầu đang ở mức yếu tại phần lớn các nền kinh tế châu Á.

IMF cũng cảnh báo, nếu tăng trưởng tiếp tục yếu đi, một số ngân hàng trung ương trong khu vực như Malaysia và Thái Lan có thể có dư địa để cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, IMF khuyến cáo một số nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam nên sẵn sàng cho việc tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát gia tăng.

Trâm Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục