Hà Lan: Mất hàng triệu USD vì bê bối "trứng bẩn"

(Kinhdoanhnet) - Ước tính chi phí thiệt hại phát sinh từ vụ bê bối trứng bẩn bị nhiễm hóa chất diệt côn trùng Fipronil ở Hà Lan đã lên đến hàng trăm triệu euro.

Theo AFP, người phát ngôn của Hiệp hội nhà nông và làm vườn tại miền Nam Hà Lan (ZLTO), ông Mark de Jong cho biết, tính đến hiện tại, thiệt hại từ vụ bê bối trên ít nhất lên tới khoảng 150 triệu euro (tương đương 176 triệu USD).

Con số này liệu có tăng lên hay không còn phụ thuộc vào mức độ giải quyết vấn đề nhanh chóng từ phía các nhà chức trách. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán mức thiệt hại sẽ không dừng lại trong thời gian tới.

Hà Lan: Mất hàng triệu USD vì bê bối "trứng bẩn" - Ảnh 1
Ước tính chi phí thiệt hại phát sinh từ vụ bê bối trứng bẩn bị nhiễm hóa chất diệt côn trùng Fipronil ở Hà Lan đã lên đến hàng trăm triệu euro. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Giám đốc Hiệp hội các nhà bán lẻ Hà Lan (CBL)ông Rene Roorda cho biết, các chuỗi siêu thị cũng đã chịu thiệt hại lên tới hàng chục triệu euro. 4.000 siêu thị đã đưa trứng bẩn ra khỏi kệ bán, trong khi hàng triệu quả trứng bị tiêu hủy. Ông Roorda khẳng định các nhà bán lẻ đang làm mọi việc để có thể khôi phục lòng tin của người tiêu dùng.

Kể từ khi vụ bê bối trứng nhiễm fipronil bị phanh phui hôm 1/8 vừa qua, hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã đồng loạt bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị châu Âu. 

Trong khi những quả trứng không bị nhiễm độc đã trở lại trên kệ ở nhiều cửa hàng trên khắp đất nước, nhưng nông dân Hà Lan nói với AFP rằng họ vẫn đang phải đối mặt với những hệ lụy gây ra từ lượng trứng có chứa chất diệt côn trùng Fipronil.

Vụ bê bối trứng bị nhiễm Fipronil bắt nguồn từ Hà Lan sau đó lan sang các nước châu Âu. Hiện đã có 16 nước châu Âu thông báo tìm thấy trứng bị nhiễm độc. Thậm chí, lượng trứng “bẩn” này còn được ghi nhận đã xuất hiện ở Hồng Kông. Hôm 14/8, Áo đã trở thành nước châu Âu mới nhất khẳng định đã tìm thấy Fipronil trong các sản phẩm trứng nhập khẩu từ Đức, Hà Lan, Bỉ và Ba Lan.

Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm sử dụng cho các loại động vật chăn nuôi lấy thịt, như gà. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục