Cựu Chủ tịch Daewoo: “Làm thế là đủ rồi là tư duy của kẻ thua cuộc!"

(Kinhdoanhnet) - Có rất nhiều người mắc phải “hội chứng vừa đủ”. Họ làm một lượng công việc chừng mực, và có một thời lượng giải trí vừa đủ.

Ông Kim Woo Choong – cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo, người được coi như huyền thoại kinh doanh tại Hàn Quốc tâm sự: “Từ khi bắt đầu kinh doanh, tôi không bao giờ chịu được kiểu “hội chứng vừa đủ” ở công nhân. Nó không mang lại cái gì cho cá nhân cũng như cho xã hội”.

Theo đó, những người nỗ lực hết sức mình không bao giờ có biểu hiện của hội chứng vừa đủ này, khi làm bất cứ việc gì họ cũng không bao giờ phí phạm thời gian. Vừa đủ không tốt chút nào cho những người cố gắng hết sức mình.

Cựu Chủ tịch Daewoo: “Làm thế là đủ rồi là tư duy của kẻ thua cuộc!" - Ảnh 1
Ông Kim Woo Choong – cựu Chủ tịch Tập đoàn Daewoo

"Làm thế là đủ rồi là tư duy của kẻ thua cuộc!"

Vào năm 1967, khi Daewoo mới được thành lập, hầu như mọi sản phẩm xuất khẩu vẫn còn được chuyên chở bằng tàu. Kỹ nghệ chuyên chở lúc ấy không phát triển cho lắm, đồng thời kéo theo sự cạnh tranh gay gắt để xếp được hàng lên tàu rồi chở đi.

Nếu không giành được tàu đúng lúc, Daewoo phải chờ ít nhất là một tuần mới có chuyến khác và mọi nỗ lực sản xuất căng thẳng trước đó cho kịp thời gian giao hàng đều về con số 0.

Toàn bộ tài sản của công ty phụ thuộc vào việc có giành được tàu hay không, vì vậy áp lực và trách nhiệm của các đại diện tại bến cảng vô cùng quan trọng. Thậm chí, có trường hợp hàng một công ty đã bốc lên tàu rồi và sau khi người đại diện trở về mãn nguyện thì hàng bị dỡ xuống và thay thế bởi hàng của công ty khác.

Theo quan sát của ông Kim, điều thú vị là có 3 loại đại diện công ty tại cảng:

Loại thứ nhất cảm thấy rằng đi về sau khi xác nhận là hàng công ty mình đã tới bến tàu thì cũng đủ tốt rồi.

Loại thứ hai muốn là hàng tới bến cảng và ở lại cho tới khi người ta bốc hàng.

Loại thứ ba ở lại để xác nhận là tàu đã nhổ neo đi.

Và ông nghiệm ra rằng: Loại đại diện thứ nhất thường bị thua cuộc. Loại thứ hai thua cuộc một hay hai lần trong tổng số 10 lần. Và loại thứ ba thì luôn luôn thành công.

“Hai loại đại diện đầu chỉ làm điều họ nghĩ rằng đủ tốt vào những lúc ấy, nhưng thường là thất bại. Tôi ra lệnh cho đại diện công ty ở lại bến cảng cho đến khi thực sự tàu đã vượt quá tầm chân trời. Đó mới gọi là hoàn tất xong sản phẩm. Kết quả là chúng tôi không hề bị chuyến hàng nào tắc tại bến cảng và luôn giao hàng đúng hẹn”, ông Kim kể.

Từ những trải nghiệm của bản thân, dẫu làm gì vị cựu Chủ tịch này cũng muốn làm cho hoàn hảo, và ông cho biết đó là chìa khoá dẫn tới thành công. Ông cũng đã truyền nguyên tắc làm việc tới mức hoàn hảo này cho nhân viên, yêu cầu là nguyên tắc phải áp dụng cho mọi điều chứ không phải chỉ cho sản phẩm.

“Tôi hy vọng lớp trẻ ngày nay sẽ đắm mình vào những hoạt động mang tính sáng tạo và nổi bật chứ đừng chỉ học “vừa đủ” và làm theo một số đông người khác. Hãy chọn những gì đúng cho bạn, những khả năng cơ bản và dành cho những việc đó với tất cả nỗ lực của mình”.

Đừng tư duy kiểu “trẻ không chơi, già hối tiếc”!

"Nếu cứ sống phung phí thời gian theo kiểu 'trẻ không chơi, già hối tiếc’, thì các bạn sẽ hối hận khi bằng tuổi tôi", Kim Woo Choong chia sẻ.

Trong lần ông Kim Woo Choong gặp gỡ doanh nhân Việt Nam mới đây, con trai ông - Kim Sun Young kể lại điều anh nhớ nhất về bố là sự quý trọng thời gian, đến mức thời gian dùng bữa của gia đình rất ít ỏi, thường vẻn vẹn chỉ trong 5 – 7 phút.

“Khi đến nhà hàng buffet, bố tôi sẽ đến và ngồi xuống. Tôi đi lấy đồ cho bố tôi. Thường khi lấy đồ cho bố xong thì tôi sẽ đi lấy đồ ăn cho mình, nhưng khi mang đồ ăn về đến bàn thì bố tôi đã nói: Chúng ta ăn đủ rồi. Đi thôi!”, anh Kim Sun Young hài hước kể về những bữa ăn ngắn ngủi với bố trong hồi ức.

Bỏ phí thời gian còn tệ hơn là bỏ phí tiền bạc vì bạn luôn luôn có thể kiếm ra được nhiều tiền hơn nhưng thời gian sẽ không bao giờ trở lại.

“Phần lớn động lực phát triển Daewoo được như ngày nay chính là chúng tôi biết tôn trọng và sử dụng thời gian mặc dù chúng tôi bắt đầu tương đối trễ so với những tập đoàn kinh tế khác nhưng sức mạnh lớn nhất của chúng tôi là tuổi trẻ và thời gian”.

“Vì chúng tôi trẻ nên mang tính sáng tạo và quyết tâm có khuynh hướng mở rộng ra ngoài thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của chúng tôi là vì chúng tôi biết giá trị của thời gian và vì chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho tương lai”, ông Kim hồi tưởng.

Ông Kim lý giải: “Mỗi ngày đều dài 24 tiếng cho mọi người, sự khác nhau là bạn sử dụng 24 tiếng đó như thế nào?”.

Phương Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục