"Cha đẻ" kinh tế học hành vi giành giải Nobel Kinh tế 2017

(Kinhdoanhnet) - Nhà kinh tế học Mỹ Richard Thaler, được mệnh danh là một trong những vị "cha đẻ" của kinh tế học hành vi, đã được công bố là chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế năm 2017.

Trong lễ công bố giải thưởng ngày 9/10, Hội đồng Giải thưởng Nobel tuyên bố chuyên gia kinh tế Richard H. Thaler được vinh danh vì những đóng góp to lớn của ông trong lĩnh vực kinh tế học hành vi.

Vinh danh Giáo sư Thaler, Peter Gärdenfors, thành viên Ủy ban trao giải Nobel Kinh tế của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nhấn mạnh: “Ông ấy đã khiến kinh tế trở thành con người”.

"Cha đẻ" kinh tế học hành vi giành giải Nobel Kinh tế 2017 - Ảnh 1
Nhà kinh tế học Richard Thaler. Ảnh: CNBC

Nghiên cứu đạt giải Nobel Kinh tế năm nay của ông được ca ngợi vì đã mang các giả định thực tế trong tâm lý học vào phân tích việc đưa ra quyết định kinh tế. 

Công trình của Giáo sư Thaler có tên Lý thuyết Nudge, chỉ rõ cách thức tâm lý con người ảnh hưởng tới tâm lý học, qua đó giải thích cho hành vi của con người trong các hoạt động kinh tế. Trả lời báo chí sau khi được vinh danh, vị giáo sư 72 tuổi của Đại học Chicago nhấn mạnh, giá trị quan trọng nhất trong nghiên cứu của ông là chỉ ra rằng “để có những kết quả tốt trong kinh tế, cần nhớ rằng chúng ta là con người”.

Một trong những lý thuyết nổi bật do ông phát triển là về "kế toán tinh thần", tức cách tư duy duy lý mà ở đó người tiêu dùng cố gắng đơn giản hóa các quyết định tài chính bằng cách tạo ra những tính toán trong đầu. Điều đó khiến họ tập trung vào các kết quả hạn hẹp hơn là xem xét tác động tổng thể của một quyết định đối với bức tranh tài chính của mình. 

Trong nghiên cứu của mình, ông Thaler đưa ra hàng loạt ví dụ về việc sử dụng cách tính toán như vậy có thể dẫn tới những quyết định khác lạ (so với quan điểm kinh tế truyền thống). Chẳng hạn, một khách hàng nhận thấy chiếc đồng hồ cô muốn mua ở tiệm kia có giá rẻ hơn khoảng 100 USD. Cô chọn tới tiệm kia để mua nếu chiếc đồng hồ đó giá 1.000 USD nhưng sẽ không làm vậy nếu nó có giá 10.000 USD dù số tiền tiết kiệm được là như nhau. Lời giải thích ở đây là cô ấy tập trung vào tỉ lệ hơn là số tiền tiết kiệm được.

Nghiên cứu của Giáo sư Thaler cũng ảnh hưởng đến quyết định của các chính phủ. Năm 2010, Vương quốc Anh lập nhóm Đánh giá Hành vi, được biết đến như là lực lượng tiên phong trong việc tạo ra các chính sách thúc đẩy công dân Anh có thể tiết kiện hơn. Giáo sư Thaler là một cố vấn của chương trình.

Năm 2015, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã ban hành một mệnh lệnh hành pháp với tiêu đề “sử dụng những hiểu biết khoa học về hành vi để phục vụ tốt hơn cho người dân Mỹ”. Theo đó, nó khuyến khích các cơ quan hành pháp liên bang xác định các chính sách, chương trình và hoạt động khi áp dụng những hiểu biết về khoa học hành vi có thể mang đến những cải thiện đáng kể về phúc lợi công cộng, kết quả chương trình hay hiệu quả chi phí chương trình.

Theo Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, những đóng góp của ông Thaler đã xây dựng cầu nối giữa kinh tế và phân tích tâm lý của việc ra quyết định cá nhân. Những khám phá của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà nghiên cứu khác tiếp bước và mở đường cho một lĩnh vực mới trong kinh tế học. 

Phương Anh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục