Ngày 29/09 tới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ phải trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Được biết tại Việt Nam làn sóng sáp nhập các ngân hàng đã bắt đầu từ năm 2011. Đến năm 2013, ngoại trừ GPBank, các ngân hàng trong nhóm 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc đã hoàn tất việc hợp nhất - sáp nhập với nhau.
Bước sang năm 2014, nhiều ngân hàng lớn cũng đã đánh tiếng về ý muốn sáp nhập. Ngay cả những ngân hàng được xem là kín tiếng như Bản Việt và những ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường như Vietcombank, Vietinbank cũng hé lộ ý định mua bán - sáp nhập (M&A).
Tái cơ cấu NHTM nhà nước: Đến bao giờ cho xong?
Sau gần 4 năm triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, cho đến nay hầu hết các phương án M&A đều được các ngân hàng thực hiện trên tinh thần tự nguyện sáp nhập, Ngân hàng Nhà nước chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên mảng có ảnh hưởng lớn nhất là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước thì kết quả đến nay vẫn chưa thực sự lộ rõ. Bởi đây là khối chiếm tới trên dưới 50% thị phần các mặt hoạt động của hệ thống.
Dường như thông tin về các cuộc sáp nhập, tái cơ cấu của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn còn khá hạn chế. Hy vọng tại phiên chất vấn tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ cung cấp thêm thông tin về vấn đề này.
Trong số 9 giải pháp đề ra nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước mà trong đề án chung đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2012, có một số nội dung đến nay đã cơ bản đạt được như: Thúc đẩy cổ phần hóa ngân hàng; Yêu cầu tăng nhanh quy mô và năng lực tài chính; Yêu cầu sớm làm sạch bảng cân đối, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Yêu cầu giảm tỷ lệ dư nợ tín dụng so với vốn huy động về mức không quá 90% đến năm 2015…
Nhận xét đánh giá về tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại nhà nước Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng để có thể tái cơ cấu hiệu quả, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện các biện pháp để giải phóng nghĩa vụ chính sách cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Nghĩa là để cho các NHTM nhà nước được độc lập hoàn toàn trong quản lý điều hành cũng như trong kinh doanh. Tuy nhiên để có thể làm được điều này là không đơn giản bởi nếu như vậy thì công cụ quyền lực của NHNN trong điều tiết và định hướng hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ mất hoàn toàn nên khó có thể thực hiện được.
Ngọc Anh (TH)