Mặc dù đã nhiều lần hối thúc nhưng dường như tốc độ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn còn khá chậm. Vì vậy mới đây, Chính phủ đã ký quyết định 51/2014/QĐ-TTg quy định về việc thoái vốn nhà nước đầu tư tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại.
Trong đó chính thức đồng ý việc thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán nhưng phải đảm bảo nguyên tắc "hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo toàn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng vốn".
NHNN cho phép thoái vốn ngân hàng dưới mệnh giá.
Sau quyết định này, nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép thoái vốn dưới mệnh giá chỉ có thể thu hút sự quan tâm chú ý của giới đầu tư hơn, còn việc khiến nhà đầu tư có thể chi tiền ra thì đây vẫn chưa phải là động lực chính.
Bởi các nhà đầu tư nước ngoài thường mong muốn sở hữu lượng cổ phần lớn từ 30 – 50% để có thể có đủ quyền lực “lột xác” ngân hàng đó lớn mạnh hơn. Thêm nữa các nhà đầu tư này vẫn còn đang quan sát hành động của NHNN trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Do vậy, quyết định bán rẻ cổ phần ngân hàng chưa chắc đã tạo được cú hích cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo thống kê, hiện số vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến một số khoản đầu tư lớn của các tập đoàn, Tổng công ty như Tập đoàn Dầu khí sở hữu 20% cổ phần Ocean Bank và 52% cổ phần PVcomBank, Tập đoàn Điện lực sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank.
Ngoài ra một số doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối cũng tham gia đầu tư vào ngân hàng như Vietnam Airlines tại Techcombank, MobiFone, PVGas tại SeABank, Tập đoàn Bảo Việt tại Ngân hàng Bảo Việt, Vinare tại TPBank … Riêng khối công ty tài chính, hiện có gần 10 đơn vị có vốn góp của các tập đoàn, TCT như Sông Đà, Xi măng, Handico, Viettel - Vinaconex…
Mặc dù số vốn đầu tư lớn như vậy nhưng thời gian qua, việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi lĩnh vực ngân hàng gần như vẫn rơi vào bế tắc.
Với thực tế này, Chính phủ sẽ phải lựa chọn một trong ba phương án để có thể thoái vốn. Trong đó, phương án đầu tiên là NHNN chỉ định ngân hàng quốc doanh đứng ra mua lại để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Hiện các ngân hàng có quyền mua có thể kể đến như Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank.
Phương án thứ 2 là các tập đoàn, TCT chủ động tìm nhà đầu tư để bán lại/bán bớt số cổ phần trên. Với tỷ lệ cổ phần ở một số ngân hàng như OceanBank, PVcomBank, ABBank, PGBank… rất lớn, những nhà đầu tư mới chính là các nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng.
Và phương án cuối cùng là bán cho SCIC để cho tổ chức này nắm giữ số lượng cổ phần đó, chờ thị trường tốt lên thì bán. Theo như phương án thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng đã tính đến SCIC nhưng đó không phải là lựa chọn duy nhất sau khi đã thất bại trong việc tìm kiếm nhà đầu tư.
Cụ thể theo Quyết định trên, người mua ưu tiên sẽ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các nhà băng được chỉ định. Theo đó với những ngân hàng có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu từ 5% vốn điều lệ trở lên sẽ được NHNN xem xét tiếp nhận đại diện chủ sở hữu hoặc chỉ định một/một số NHTM nhà nước mua lại.
Còn các trường hợp khác, DNNN thực hiện thoái vốn thông qua đấu giá và bán thỏa thuận và phải được NHNN chấp thuận bằng văn bản nhà đầu tư mới.
T.T (TH)