Nợ xấu, cần xử lý sao?

(Kinhdoanhnet) - Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến hết tháng 7 tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 162,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,11% tổng dư nợ (cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu là 3,61%).

Như vậy có thể thấy rằng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang theo xu hướng tăng trong những tháng đầu năm.

Khi được hỏi về vấn đề này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao như hiện nay là do kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Mặt khác, các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập với hy vọng sẽ giúp xử lý hiệu quả nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy mặc dù được thành lập khá lâu nhưng hiện VAMC vẫn chưa có đột phá nào về lượng nợ xấu mua vào, khiến việc giải quyết nợ xấu không có sự chuyển biến mạnh mẽ.

VAMC hiện nay còn nhiều hạn chế về quyền lực chưa thể phát triển được thị trường mua bán nợ và định giá tài sản. Trong khi đó, kinh nghiệm của các nước đã chỉ ra vai trò quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài trong mua nợ xấu.

Nguồn lực để xử lý nợ xấu tại Việt Nam còn rất hạn chế, chính vì thế việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ nhằm tạo nguồn lực tốt hơn và giúp đẩy nhanh mua - bán nợ.

Tuy nhiên sự cản trở lớn nhất lại nằm ở phía Chính Phủ, bởi người nước ngoài muốn tham gia mua bán nợ xấu nói chung hay mua bán nhà ở, bất động sản nói riêng thì trước hết Luật Đất đai cần cho phép. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ mới chỉ xem xét đến vấn đề này mà chưa có bất cứ quyết định nào cụ thể.

Luật đất đai cần cho phép người nước ngoài tham gia mua bán nhà ở bất động sản nhằm giải quyết nợ xấu.
Luật đất đai cần cho phép người nước ngoài tham gia mua bán nhà ở bất động sản nhằm giải quyết nợ xấu.

Quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể trong giai đoạn I đã tiến hành tái cấu trúc 9 ngân hàng, hầu hết các ngân hàng này đã “thay đổi bộ mặt” sau khi tái cấu trúc, hệ thống ngân hàng ổn định trở lại ở bước đầu, tránh đổ vỡ cả hệ thống, trừ một số ít ngân hàng nhỏ còn yếu kém.

Theo TS Cao Sỹ Kiêm, việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu, nhưng nó không đóng vai trò quyết định. Muốn giải quyết được nợ xấu thì tái cấu trúc ngân hàng chỉ là một yếu tố. Còn muốn giải quyết nợ xấu không tăng hoặc giảm nợ xấu thì phải đồng thời sắp xếp ngân hàng, sắp xếp doanh nghiệp và hoạt động của đầu tư công phải tốt lên mới hỗ trợ được.

Theo thống kê, tổng nợ xấu VAMC đã mua lại từ các ngân hàng thương mại không nhỏ, khoảng 56.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng chỉ mới bán được 1.400 tỷ đồng nợ xấu.

Theo T.S Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng nếu muốn xử lý nợ xấu và tái cấu trúc ngân hàng thì VAMC cần có  năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực. Bởi cục nợ xấu quá lớn, trong khi đó tốc độ xử lý chậm tất yếu dẫn đến chi phí tái cấu trúc sẽ càng lớn.

Việc nợ xấu tăng nhanh như hiện nay đã làm cho hầu hết các ông chủ nhà băng thận trọng hơn trong việc cho vay. Tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ họ rất muốn cho vay, nhưng lại không thể mạo hiểm khi mỗi ngày lại nghe một tin về doanh nghiệp A phá sản, doanh nghiệp B mất khả năng thanh toán… Điều này đã dẫn đến một nghịch lý, ngân hàng thì thừa tiền trong khi doanh nghiệp thì đói vốn. Nghịch lý này kéo dài làm khiến tín dụng trong nhiều tháng qua tăng trưởng khá chậm.

Cái khó của các doanh nghiệp hiện nay chính là tồn kho, hết tài sản đảm bảo… nên khó có thể “gõ cửa” được hệ thống các ngân hàng. Vì thế theo ông Võ Trí Thành Việt Nam cần có một trung tâm hỗ trợ thông tin về doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ông Thành chia sẻ: “Theo tôi được biết, ở các nước trên thế giới, các ngân hàng thương mại thường có tổ chức xếp hạng tín nhiệm riêng của mình đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cung ứng vốn tín chấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức độ tín nhiệm do ngân hàng đánh giá để đảm bảo rủi ro. Nhưng đòi hỏi các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải nỗ lực để khắc phục yếu kém về quản trị, minh bạch thông tin”.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục