Ngân hàng “lột xác” sau tái cấu trúc

(Kinhdoanhnet) - Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trong giai đoạn vừa qua các ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập hoặc sử dụng nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài để sáp nhập mà không cần phải dùng tới nguồn ngân sách Nhà nước

Tái cấu trúc, ngân hàng “tự nguyện” sáp nhập

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng nhịp độ đang chững lại. Nguyên nhân được cho là do Chính phủ chưa quyết định việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở một số ngân hàng theo Nghị quyết 15. Đây được cho là điểm nghẽn để Ngân hàng Nhà nước tái cấu trúc một số ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết trong giai đoạn vừa qua các ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập hoặc sử dụng nguồn vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài để sáp nhập mà không cần phải dùng tới nguồn ngân sách Nhà nước tuy nhiên việc làm này lại tiềm ẩn những rủi ro về sở hữu chéo.

Ngân hàng “lột xác” sau tái cấu trúc
Ngân hàng “lột xác” sau tái cấu trúc.

Được biết trong giai đoạn I đã tiến hành tái cấu trúc 9 ngân hàng, hầu hết các ngân hàng này đã “thay đổi bộ mặt” sau khi tái cấu trúc.

Cụ thể, ngân hàng SCB được hợp nhất bởi 3 ngân hàng là SCB, Đệ Nhất và ngân hàng Đại Tín. Sau hợp nhất ngân hàng này đã có lợi nhuận.

Tại ngân hàng TPBank sau khi có sự tham gia của cổ đông Doji, ngân hàng này đã xử lý được 1.500 tỷ đồng nợ xấu và trở thành ngân hàng đầu tiên báo lãi khủng sau 6 tháng đầu năm trong khi các quý trước liên tiếp bị thua lỗ.

Hay như với SHB, sau khi ôm Habubank thì kèm theo đó ngân hàng này cũng phải ôm một cục nợ xấu lên tới 21,32%. Đến nay, hầu như nợ xấu từ Habubank đã giảm nhiều, tính đến hết quý II nợ xấu của Habubank chỉ ở mức 4%. Thêm vào đó kết thúc 6 tháng đầu năm ngân hàng này cũng báo lãi trước thuế 505,4 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra còn một số ngân hàng khác cũng đạt được những kết quả khá ấn tượng sau tái cấu trúc như PvcomBank ra đời sau khi hợp nhất Ngân hàng Phương Tây, GPBank có sự tham gia của cổ đông United OverSeas Bank (Singapore) theo phương án tự tái cơ cấu…

Mới đây Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cũng đã kêu gọi các ngân hàng thuộc nhóm G14 tham gia vào quá trình tái cấu trúc hệ thống bằng cách tự tìm cho mình một ngân hàng nhỏ, yếu kém để sáp nhập vào hệ thống của mình. Với cách làm này, Thống đốc hy vọng quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ đạt được nhiều mục tiêu, vừa giảm số lượng ngân hàng, vừa không dùng tới tiền ngân sách.

Hưởng ứng lời kêu gọi này, thời gian qua trên thị trường các ngân hàng liên tục tìm kiếm các đối tác để sáp nhập vào hệ thống. Mới đây ngân hàng MaritimeBank thông báo sẽ tiến hành sáp nhập với MeKongBank. Ngoài ra, Vietcombank, Vietinbank, MB, SeABank, DongABank, ABBank… cũng đang trên tiến trình tìm kiếm đối tác để sáp nhập.

Tuy vậy, công cuộc tìm kiếm đối tác xem ra không hề đơn giản, bởi mục tiêu và thực tế thường không tương xứng

Thực tế, việc tái cơ cấu ngân hàng không còn là việc của ngân hàng Nhà nước nữa, mà bản thân các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu ý thức được việc phải tự tái cơ cấu bản thân để nâng cao tính cạnh tranh. Do vậy, song song với những trường hợp sáp nhập của các đối tượng ngân hàng yếu kém, các ngân hàng không trong diện yếu kém cũng đã chủ động tìm kiếm đối tác sáp nhập nhằm tăng quy mô và nâng cao tính cạnh tranh.

Nhờ vào sự đóng góp và tham gia tích cực từ phía các ngân hàng thuộc nhóm G1, dự kiến từ nay đến cuối năm, hoạt động mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Trong dài hạn, theo kế hoạch tái cơ cấu đến năm 2017, số lượng ngân hàng sẽ giảm từ 39 xuống khoảng 15 - 17 ngân hàng.

Đẩy mạnh thoái vốn Nhà nước khỏi lĩnh vực ngân hàng tài chính

Mặc dù đã đưa ra nghị quyết số 15, Thủ tướng chỉ đạo: “Đối với việc thoái vốn tại các công ty đầu tư tài chính, các ngân hàng thương mại của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể giao các ngân hàng thương mại nhà nước mua lại hoặc chuyển Ngân hàng Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu”.

Theo nguyên tắc, để có thể triển khai chỉ đạo này Bộ Tài chính sẽ phải có tờ trình để Chính phủ phê duyệt quyết định hoặc giao cho ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn mua lại hoặc giao cho Ngân hàng Nhà nước đại diện chủ sở hữu.

Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có bất cứ quyết định nào của Chính phủ về việc này. Vì thế thời gian qua, những ngân hàng trong diện phải thoái phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư, vẫn đang trong tình trạng chờ đợi gây ra tình trạng tắc nghẽn tín dụng.

Mới đây theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị giao ban về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty đẩy mạnh hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong 2 năm 2014 – 2015. Trong đó đặc biệt quan tâm tới việc thoái vốn khỏi lĩnh vực ngân hàng tài chính. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương báo cáo phương án xử lý các khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty tại công ty tài chính, ngân hàng thương mại gắn với việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đảm bảo hiệu quả chung.

Ngọc Anh (TH)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục