Không nên tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá

(Kinhdoanhnet) - Nhìn lại tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP trong thập kỷ qua và những năm gần đây, có thể thấy quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và GDP tuy là quan hệ tỷ lệ thuận nhưng khá lỏng lẻo.

Đã 8 tháng  trôi qua mà tốc độ tăng trưởng tín dụng mới đạt được 4,33% so với tháng 12 năm ngoái. Tốc độ này thấp xa mức mục tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra cho năm nay là 12-14% để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP là 5,8% cho năm nay. Vì cho rằng tăng trưởng tín dụng là yếu tố chủ chốt thúc đẩy tăng trưởng GDP nên nhiều người đã rất sốt ruột, hối thúc có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng như mục tiêu đã đề ra.

Có điều, nhìn lại tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP trong thập kỷ qua và những năm gần đây, có thể thấy quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và GDP tuy là quan hệ tỷ lệ thuận nhưng khá lỏng lẻo. Có những giai đoạn như 2001-2003, để GDP tăng trưởng trên 6%/năm thì tín dụng cần tăng trưởng trong mức 20-30%/năm. Nhưng để đẩy tốc độ tăng trưởng GDP thêm 1 điểm phần trăm nữa, tức trên 7% thì tín dụng thậm chí phải tăng trưởng đến trên 40-50%/năm như trong giai đoạn 2004-2007. Trong khi đó, nếu GDP tăng trưởng ở mức vừa phải 5,3%-6,2% như trong giai đoạn 2011-14 thì chỉ cần tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 14%/năm đổ lại.

Nói cách khác, cái giá để đổi lấy thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP là khá đắt nếu tính bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng, và đằng sau nó là tốc độ tăng trưởng cung tiền phải cao. Mà tốc độ tăng cung tiền càng cao thì thường đi kèm với hậu quả là lạm phát cao, như thực tế ở Việt Nam đã cho thấy trong những năm trước.

Như vậy thay vì chú trọng vào con số tăng trưởng, và tìm mọi cách để đạt được con số đó bằng những biện pháp cực đoan như dồn tín dụng vào cuối năm, cho một số doanh nghiệp nhà nước, thực hiện bởi một số ngân hàng thương mại nhà nước, hoặc đốc thúc ngân hàng thương mại cho vay tín chấp với nhiều rủi ro hơn, hoặc tệ hơn là cho vay chỉ định, bù lãi suất v.v... để cốt sao chạm được đến đích tăng trưởng tín dụng đặt ra, thì nỗ lực và sự tập trung của ngành ngân hàng vẫn phải và chỉ nên dồn vào chất lượng tín dụng để sao cho vốn tín dụng đi đúng nơi cần đến và không tạo ra thêm nợ xấu, là cái sẽ tiếp tục chặn dòng vốn tín dụng hiệu quả ra nền kinh tế.

Tín dụng vẫn tăng rất chậm
Tín dụng vẫn tăng rất chậm

Một thực tế là tín dụng tăng một cách khó hiểu. Chỉ như mấy ngày cuối tháng 6 tín dụng đã tăng bằng với tăng trưởng 5 tháng trước đó cộng lại. Điều đó khiến nhiều người cho rằng có sự làm xiếc số liệu ở đây. Khi mà thực tế tín dụng của các ngân hàng thương mại cổ phần rất khó tăng.

Lý giải cho sự tăng tín dụng đó, đại diện NHNN cho biết đó là hợp đồng tín dụng lớn giữa ngân hàng gốc quốc doanh với tập đoàn, tổng công ty nhà nước được giải ngân. Nếu dùng "đòn bẩy tín dụng" qua nhóm ngân hàng quốc doanh và gốc quốc doanh thì tăng trưởng tín dụng sẽ được đẩy lên nhanh chóng vì nhóm ngân hàng này hiện chiếm hơn 60% thị phần trên thị trường tín dụng. Lặp lại bài này như năm ngoái, giới ngân hàng cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% vào cuối năm vẫn có thể đạt được.

Tuy nhiên theo giám đốc một ngân hàng, tín dụng chỉ thực sự tăng trưởng nếu kinh tế vĩ mô đi vào chu kỳ phát triển ổn định, doanh nghiệp lấy lại sức thật. Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng, doanh nghiệp thì niềm tin kinh doanh chưa trở lại thực sự  tín dụng sẽ tiếp tục được đẩy ra nhỏ giọt chứ không thể đột biến.

Nếu càng cho vay tín chấp thì các ngân hàng càng phải trích lập dự phòng rủi ro cao vì với tín chấp, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro khi khoản nợ trở thành quá hạn là 100%. Trích lập dự phòng rủi ro tính trên giá trị khoản nợ trừ đi giá trị tài sản bảo đảm. Khiến lợi nhuận ngân hàng giảm.

Trong bối cảnh cần coi trọng chất hơn là lượng như thế này, NHNN thay vì sốt ruột phải "bắt tay chỉ việc", chỉ định, yêu cầu các ngân hàng thương mại nên cho vay thế này thế kia thì nên quay trở lại với vai trò quản lý và giám sát truyền thống của mình để đảm bảo cho cả hệ thống hoạt động tuân theo những luật lệ và quy định, đồng thời đảm bảo thanh khoản luôn đáp ứng được nhu cầu của hệ thống.

"Tín dụng tăng bao nhiêu, đạt chỉ tiêu hay không với chúng tôi không có ý nghĩa nhiều. Bởi có tăng 5% nhưng mà vào đúng chỗ, thực chất còn hơn tăng gấp vài lần mà vẫn phải chạy theo dọn dẹp. Nếu "bắt" tín dụng tăng trưởng bằng mọi giá, nó sẽ quay lại câu chuyện tín dụng biểu diễn hay tín dụng thực chất. Vị giám đốc này cho biết.

Quốc Hưng (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục