Mới đây nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ, cuối tháng 8, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 61/2014 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Tuy nhiên đó là quyết định chỉ thị từ cấp trên còn các đơn vị thừa hành thì vẫn “chây ì” chưa thực hiện. Sau 2 tháng ban hành Nghị quyết 61, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo lần 2 của thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 61 về giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.
Gói 30.000 tỷ: tương lai vẫn còn “mù mịt”.
Về phía Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 07 và Thông tư 18 nhằm tạo điều kiện hơn cho người dân trong vấn đề thủ tục.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi đã được điều chỉnh giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm từ tháng 1/2014, song vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Cùng với đó, thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân vay tối thiểu được quy định trong gói hỗ trợ này là ngắn so với khả năng tích lũy, trả nợ.
Trao đổi về vấn đề này TS Lê Trí Hiếu, chuyên gia ngành ngân hàng cho biết, với mức lãi suất hiện tại mà gói 30.000 tỷ đang áp dụng 5% là rất hợp lý. Mới đây thời gian cho vay của gói tín dụng này đã được nâng lên là 15 năm thay vì 10 năm như cũ. Tuy nhiên theo ông Hiếu để có thể kích cầu thì Chính Phủ cần phải kéo dài thời gian cho vay ít nhất là 20 năm, thậm chí có thể lên đến 30 năm. Nếu càng kéo dài thời gian cho vay thì số tiền phải trả cả gốc lẫn lãi hàng tháng của người đi vay sẽ giảm đi, điều này sẽ giúp người dân có thể dễ dàng hơn trong việc trả nợ, điều này sẽ thúc đẩy gói tín dụng này.
Thêm vào đó các ngân hàng cũng cần phải hỗ trợ người dân nhất là về vấn đề thủ tục, bởi các đơn vị này có quá nhiều yêu cầu, quá nhiều thủ tục ràng buộc.
Còn ở góc độ các chủ đầu tư, nhiều đơn vị cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, chưa giấy phép xây dựng, báo cáo tài chính không đáp ứng điều kiện để được vay vốn.
Mặc dù đã đưa ra dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị quyết 02/2013 của Chính Phủ, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong dự thảo này của Ngân hàng Nhà nước có một số quy định có thể cản đường tiếp cận vốn vay hơn. Ví dụ như việc quy định: Ngân hàng căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng thông qua việc phân tích dòng tiền của DN hoặc thu nhập của cá nhân, hộ gia đình để thỏa thuận mức cho vay, thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ phù hợp đối với khách hàng. Có thể thấy, hướng dẫn này hoàn toàn mang tính định tính và mỗi tổ chức cho vay có thể diễn giải theo những cách khác nhau nhằm có lợi cho đơn vị mình.
Với nhiều khuyết điểm như hiện nay rất có thể trong tương lai gói tín dụng 30.000 tỷ vẫn chưa thể “nhanh” được.
Hoàng Anh (TH)