Vĩnh Phúc: Dân khổ vì đại dự án thi công cầm chừng - Chủ đầu tư và nhà thầu đang ở đâu?

(KDPL) - Tổng số vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng với kế hoạch triển khai trong vòng 540 ngày, đã quá thời hạn 3 năm nhưng đến nay Dự án cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp làm đường giao thông tại Vĩnh Phúc vẫn đang thi công kiểu “cầm chừng” gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân sống xung quanh dự án.

Năm 2011, do hệ thống đê tả Sông Hồng đoạn qua các huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường bị xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ mối có thể ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng cho người dân vào mùa mưa lũ, cùng với mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương nên UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã lập dự án, giao cho hai huyện Yên Lạc và Vĩnh Tường làm chủ đầu tư thực hiện dự án “Cải tạo, nâng cấp đê tả sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông”. Việc đầu tư xây dựng dự án “ cải tạo, nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp với làm đường giao thông” có ý nghĩa hết sức to lớn, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của vùng dự án; đảm bảo tài sản tính mạng của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, chống lấn chiếm hành lang đê, ứng cứu kịp thời cho các vùng khi xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; đồng thời đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần hình thành một trục giao thông chính liên kết các xã, huyện phía Nam của tỉnh với các đầu mối kinh tế xã hội của vùng như Hà Nội, TP.Việt Trì.

Vĩnh Phúc: Dân khổ vì đại dự án thi công cầm chừng - Chủ đầu tư và nhà thầu đang ở đâu? - Ảnh 1
Đại dự án vẫn ngỗn ngang vật liệu chưa biết bao giờ mới hoàn thành

Vốn lớn, làm cầm chừng

Tại huyện Vĩnh Tường, dự án được chia thành 3 gói thầu (tổng giá trị gần 1.500 tỉ đồng) do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng. Tại huyện Yên Lạc (có tổng dự toán được phê duyệt trên 1.171 tỉ đồng), gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc, Vĩnh Phúc thực hiện thầu. Cuối tháng 12/2011, dự án được khởi công rầm rộ, hàng nghìn người dân địa phương vui mừng vì sắp có một tuyến đê an toàn, mang lại cơ hội phát triển kinh tế. Tuy nhiên đến nay, những gì đang diễn ra tại dự án này lại khiến người dân thất vọng. Theo cam kết, dự án thực hiện trong vòng 540 ngày tức giữa năm 2013 phải hoàn thành trước mùa mưa bão. Như vậy tính đến thời điểm hiện tại dự án này đã chậm tiến độ tới 3 năm nhưng theo quan sát của phóng viên, nhiều đoạn vẫn đang “đắp chiếu”, nhiều đoạn thi công cầm chừng. Trong đó, Tại huyện Vĩnh Tường, dự án do các nhà thầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, liên danh Công ty Quảng Lợi và Công ty TNHH Thương mại Hải Hưng thực hiện xây dựng vẫn mang tính cầm chừng, ngắt quảng, vật liệu và máy móc vẫn ngỗn ngang phơi mưa phơi nắng.

Gói thầu số 4 từ Km 23 + 663,00 + km28 + 65,00 do Công ty Xây dựng Yên Lạc thi công thì mới tiến hành san nền được 3 xã là Nguyệt Đức, Yên Phương, và Liên Châu, hiện nay công tác thi công đã dừng lại, tại các điểm san nền cỏ cây đã mọc um tùm, nhiều người dân đã sử dụng mặt bằng để lập lán trại chăn nuôi gà và dựng lán sửa chữa xe máy, ô tô. Riêng tuyến đê đoạn chạy qua xã Đại Tự huyện Yên Lạc vẫn nguyên vẹn chưa có dấu vết của việc thi công, bởi vậy con đường chính và duy nhất mà các phương tiện tham gia giao thông và người dân qua lại vẫn là con đê cũ đã xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết mặt đê đã bong tróc vỡ vụn như tương, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Vĩnh Phúc: Dân khổ vì đại dự án thi công cầm chừng - Chủ đầu tư và nhà thầu đang ở đâu? - Ảnh 2
Người dân và các phương tiện vẫn phải lưu thông trên con đường duy nhất là đê cũ đã hư hỏng nghiêm trọng( Đoạn qua xã Đại Tự, huyện Yên Lạc)

Trách nhiệm của nhà đầu tư và năng lực của các nhà thầu ở đâu?

Với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng như vậy, đúng ra dự án sẽ phải được đấu thầu để chọn nhà thầu phù hợp, có đủ năng lực, nhưng với lý do là tính cấp bách của dự án nên UBND huyện Yên Lạc, UBND huyện Vĩnh Tường đã lựa chọn hình thức chỉ định thầu cho các nhà thầu trên, nhưng đến nay đã quá hạn hoàn thành là 3 năm nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Dư luận có cơ sở để nghĩ rằng, chủ đầu tư đã đúng hay chưa khi giương mục tiêu ý nghĩa dân sinh, tính cấp bách để được chỉ định thầu và các nhà thầu liệu khi được chỉ định có đủ năng lực để triển khai dự án?...và cái mà chính quyền địa phương 2 huyện gọi là “ cấp bách” liệu có thực sự còn đúng nữa không? Khi mà dự án chậm tiến độ, các nhà thầu thi công theo kiểu cầm chừng và loay hoay chờ vốn như vậy để ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.

Đức Nam - Văn Thụy

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục