Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại?

(Kinhdoanhnet) - Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao trước sự xuất hiện của một thương hiệu lụa giống hệt với thương hiệu Khaisilk nổi tiếng một thời. Chắc chắn không ít người đặt ra câu hỏi rằng mục đích xuất hiện của cái tên mới này là gì? Có phải chăng, đây là một sự khởi đầu đầy táo bạo hay chính là một nỗ lực trở lại ít ai ngờ đến?

Giữa tâm điểm cơn bão nhãn mác đang quét qua hàng loạt các thương hiệu đình đám làm lòng tin của người tiêu dùng Việt bị tổn thương nặng nề. Việc xuất hiện của thương hiệu với cách thức nhập nhèm nhãn mác đã làm cho dư luận không khỏi thắc mắc, và càng hoài nghi hơn nữa khi nhìn qua các hình ảnh của thương hiệu và đặt ra nghi vấn: Nếu bắt chước thì tại sao lại bắt chước một thương hiệu vốn chẳng mấy tốt đẹp trong lòng người tiêu dùng? Nếu nỗ lực trở lại thì tại sao lại không chọn một cách khác? 


Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại? - Ảnh 1
Sản phẩm của Nhasilk và Khaisilk khá giống nhau
Nếu chưa xem đến phần tem mác, chắc chắn phải có tới 99% người nhầm lẫn rằng sản phẩm của Nhasilk và Khaisilk là một, bởi chúng giống nhau đến từng chi tiết nhỏ, từ logo, thiết kế cửa hàng cho đến màu sắc, mẫu mã sản phẩm.

Thời điểm phóng viên bắt gặp thương hiệu này xuất hiện, cũng trùng vào thời điểm ông trùm làng lụa đang cho rao bán chiếc xe RR vang bóng một thời của mình, và là thời điểm người tiêu dùng trong nước sục sôi trong cơn bão nhãn mác, điều này khiến chúng tôi suy nghĩ tới vấn đề, có phải ai đó đang muốn tận dụng thời cơ này để gây sự chú ý của người tiêu dùng tới thương hiệu của mình hay không?

Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại? - Ảnh 2
Khaisilk - “Ông trùm” ngành lụa một thời
Nếu điều đó xảy ra, Nhasilk đang lựa chọn khởi nghiệp bằng việc “bắt chước” mô hình kinh doanh từng thất bại của Khaisilk? Nhưng lý do vì sao? Bắt chước thương hiệu một thương hiệu đình đám trong ngành là điều vô số các công ty đã từng làm theo và thành công rực rỡ, nhưng bắt chước theo một thương hiệu bị khủng hoảng và đã ngừng kinh doanh thì quá mạo hiểm vì rủi ro bị người tiêu dùng tẩy chay là vô cùng lớn.

Kinh doanh theo sự bắt chước – Một mô hình không mới

Trước Nhasilk, không ít các công ty trên thế giới đã lựa chọn kinh doanh theo chiến lược của những thương hiệu lớn, từng rất thành công. Điển hình phải kể tới hãng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc.

Xiaomi là một thương hiệu công nghệ hot nhất Trung Quốc hiện nay. Sẽ không có gì đáng nói nếu phong cách của CEO Xiaomi – ông Lei Jun lại giống với phong cách của cựu CEO Apple - ông Steve Jobs đến lạ kì. Điều dặc biệt hơn cả là chiếc điện thoại Xiaomi có thiết kế gần giống với Iphone 5s, nút Home tích hợp cảm ứng vân tay hay kể cả là dòng chữ: “one more thing”...

Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại? - Ảnh 3
Ông chủ của hãng điện thoại Xiaomi đã rất thành công khi “học theo” Apple

Trong trường hợp này, nếu nói 99% sao chép + 1% sáng tạo = thành công quả không sai. Thực tế cho thấy sau 5 năm phát triển, Xiaomi đang là nhãn hàng công nghệ có tốc độ phát triển ấn tượng nhất thế giới, có 130 triệu khách hàng trên toàn cầu. Đồng thời Xiaomi cũng là hãng điện thoại lớn nhất Trung Quốc và lớn thứ 3 trên khắp châu lục. 

Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp đã thất bại khi quyết định khởi nghiệp dựa vào một thương hiệu từng nổi tiếng. Ví dụ như việc tung ra nhãn hàng King Burger – đồ ăn nhanh ở Trung Quốc với quảng cáo, hình ảnh sản phẩm chẳng khác gì thương hiệu đình đám khắp thế giới là Burger King. Hầu hết những ai từng nhìn qua sản phẩm này đều bị “đánh lừa”. Nhưng sau cùng thì King Burger vẫn không có được trái tim của người tiêu dùng vì không có cái hồn của thương hiệu.

Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại? - Ảnh 4
Rất khó phân biệt đâu là sản phẩm của Burger King, đâu là King Burger

Như vậy chứng tỏ, khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp bằng cách “làm theo” các mô hình kinh doanh lớn trước đó lại càng khó hơn. Nếu không cẩn trọng và có những bước đi khôn ngoan, thất bại là điều khó tránh khỏi.

Nhưng khó hiểu nhất vẫn là cái cách mà thương hiệu Nhasilk lựa chọn, ra mắt vào thời điểm nhạy cảm như hiện tại vậy mục đích của họ là cái gì? Bước đi của họ là sự khởi đầu liều lĩnh để thị trường chú ý, hay để phục vụ cho một mục đích nào khác mà người tiêu dùng không ai ngờ được đến? Chắc chắn thời gian sẽ cho chúng ta biết câu trả lời rõ ràng nhất. Bởi lẽ, Xiaomi thành công khi bắt chước một thương hiệu khởi đầu cho kỷ nguyên mới của loài người, còn Nhasilk thì lại xuất hiện theo cái cách mà chẳng ai biết rằng rồi nó sẽ đi đến đâu.

Liều lĩnh khởi đầu, hay nỗ lực trở lại? - Ảnh 5

Thương hiệu lụa Nhasilk đang thu hút sự chú ý của dư luận


Báo sẽ tiếp tục theo dõi thông tin để cập nhật sớm nhất tới bạn đọc…

 

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục