Vụ cổ đông căng băng rôn khuyên "đừng mua": Liên danh Videc – Prosimex rơi vào thế khó?

(Kinhdoanhnet) - Quá vội vàng trong việc chọn thời điểm chào bán khi chưa giải quyết xong vấn đề tranh chấp, khiến liên danh Videc – Prosimex chủ đầu tư dự án Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan đứng trước nguy cơ bị sa lầy?

Vụ cổ đông căng băng rôn khuyên "đừng mua":  Liên danh Videc – Prosimex rơi vào thế khó? - Ảnh 1
Lực lượng bảo vệ của dự án giằng co tấm băng rôn trước sự phản ứng quyết liệt của nhóm cổ đông(Ảnh Infonet)

Cổ đông căng biểu ngữ 'đuổi' khách hàng mua nhà của công ty mình

Trong nhiều ngày qua, những ai đi qua địa chỉ 349 Vũ Tông Phan không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh tượng trái chiều khi một bên là nhóm tư vấn viên (Công ty Cổ phần dịch vụ và địa ốc Đất xanh miền Bắc) ra sức mời chào, tư vấn khách hàng đặt mua dự án, trong khi đó, ngay trước khu nhà mẫu dự án, xuất hiện khoảng hàng chục người được cho là cổ đông của CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex đã căng băng rôn khuyên khách đừng mua nhà, đặc biệt trong chính ngày mở bán dự án Riverside Garden. 

Trước cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này, đã khiến không ít khách hàng đến tìm hiểu dự án bỏ về trong tâm trạng hoang mang hoài nghi về tính pháp lý của dự án.

Đây có lẽ được coi là sự kiện “hy hữu” trên thị trường bất động sản, khi mà chính những cổ đông lại đứng ra “cảnh báo” khách hàng tránh mua nhà do chính công ty mình làm chủ đầu tư. 

Vụ cổ đông căng băng rôn khuyên "đừng mua":  Liên danh Videc – Prosimex rơi vào thế khó? - Ảnh 2
Việc cổ đông Công ty Prosimex căng biểu ngữ khiến không khí mua bán trước dự án này khá ảm đạm(Ảnh Lê Quân - TN)

Trao đổi với báo Thanh Niên, Bà Trần Thị Lý, 56 tuổi, một trong những người căng biểu ngữ trước cổng dự án cho biết, cả nhóm có khoảng 60 người, vốn là cán bộ công nhân viên của Công ty CP sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Prosimex (Prosimex), đồng thời cũng là cổ đông sở hữu khoảng 10% cổ phần của công ty này. “Chúng tôi ở đây để cảnh báo khách đừng mua nhà ở đây bởi đất dự án này vẫn còn tranh chấp. Đồng thời, cũng để gây áp lực với Công ty Prosimex yêu cầu trả quyền lợi chính đáng cho cổ đông”, bà Lý cho hay.

Theo cổ đông này, năm 1989, Công ty Prosimex được thành lập. Đến năm 2006, công ty được cổ phần hóa, nhiều cán bộ công nhân công ty đã bỏ tiền mua cổ phần của công ty.

“Người ít nhất là vài ba chục triệu, người nhiều lên đến vài trăm triệu đồng để trở thành cổ đông của công ty. Nhưng khoảng từ 2008, Công ty Prosimex do ông Trương Quốc Phương làm Tổng giám đốc làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, phải cầm cố nhiều tài sản. Tháng 4.2014, Ban lãnh đạo công ty đã bán lô đất rộng gần 8.900 m2 tại số 349 Vũ Tông Phan với giá 75 tỉ đồng và 1.000 m2mặt sàn văn phòng làm việc Công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam (Videc).

Nguy cơ sa lầy của liên danh Videc- Prosimex?

Mặc dù dự án Riverside Garden có được khoản vay khoảng 450 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCB)-Chi nhánh Đống Đa theo hợp đồng tín dụng đã ký cuối tháng 4/2016 vừa qua, trong khi đó theo tổng mức đầu tư theo chủ đầu tư vào khoảng 1.300 tỷ đồng.

Dễ dàng nhận thấy, nếu việc phát triển dự án chỉ dựa vào nguồn vốn vay thì sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu vốn, mà cần thông qua huy động từ các nguồn vốn khác như: Vốn tự có, huy động khách hàng thông qua chào bán, …

Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, kênh huy động vốn được cho dễ dàng, phổ biến nhất hiện nay của các chủ đầu tư là huy động vốn trực tiếp từ khách hàng thông qua việc chào bán căn hộ ra thị trường.

Tuy nhiên, trong trường hợp chào bán Riverside Garden được giới đầu tư đánh gía “quá nóng vội”, chưa chọn đúng thời điểm trong bối cảnh tranh chấp tại công ty Prosimex chưa được giải quyết xong, thậm chí có nhiều dấu hiệu cho thấy bị phản tác dụng, không những không thu hút được thêm khách hàng, mà còn nguy cơ mất đi khách hàng tiềm năng của dự án, do niềm tin bị “khủng hoảng” – Anh Kim Giang – Một nhà đầu tư phân tích.

Mặt khác, việc xuất hiện Công ty CP Đầu tư thiết kế và Xây dựng Việt Nam –Videc trong “cuộc chơi” này với vai trò được cho là liên danh góp vốn vào dự án, tuy nhiên công ty Videc lại không có quyền trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp đang có giữa của Prosimex với các cổ đông vẫn chưa tìm được tiếng nói chung kéo dài từ nhiều năm nay.

Từ đó thấy rằng, trước bối cảnh đầu ra bán hàng của dự án đứng trước nguy cơ bế tắc, vấn đề nội bộ chưa có hướng giải quyết, trong khi vẫn chịu áp lực vốn vay đè nặng… có lẽ sẽ là thách thức, khó khăn đặt ra không nhỏ với Liên danh Videc – Prosimex trong thời gian tới?!

Minh Lý

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục