HD Bank có “quên” cập nhật Mon City?

Khẳng định là ngân hàng đồng tài trợ cho dự án Mon City nhưng HD Bank lại “quên” chưa kịp cập nhật vào danh sách dự án được ngân hàng chấp nhận trên website chính thức của mình?

Trung tuần tháng 1, chủ đầu tư Mon City là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Đăng đã tổ chức mở bán chính thức tại khu vực nhà mẫu, trên nền đất xây dựng dự án, thu hút hàng trăm lượt khách đến tham dự.

HD Bank có “quên” cập nhật Mon City? - Ảnh 1
HD Bank “quên” cập nhật dự án – chủ đầu tư với Mon City vào danh mục chấp thuận cho khách hàng vay mua sản phẩm.

Lỗi kỹ thuật từ nhà băng

Kết thúc sự kiện, nhiều thông tin được lan tỏa công khai: dự án đã xây dựng xong móng, dự kiến hoàn thiện phần thô (hạng mục chung cư) vào cuối quý I/2017, bắt đầu bàn giao vào quý IV/2017; chiết khấu lên tới 3% cho khách mua nhà từ ngày 17/1/2016  đến 20/2/2016; khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ được HD Bank (ngân hàng bảo trợ vốn cho dự án) hỗ trợ cho vay tới 85% giá trị căn hộ với lãi suất ưu đãi từ 6,3%/năm, thời gian vay lên đến 30 năm và ưu đãi về ân hạn gốc lên đến 24 tháng…

Đáng chú ý, thông tin dự án Mon City được Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HD Bank) cam kết thực hiện bảo lãnh tiến độ ban giao nhà đúng thời hạn theo hợp đồng mua bán cho khách hàng được Tổng giám đốc của Hải Đăng cung cấp và đại diện HD Bank xác nhận đã “chinh phục” được cả những khách hàng khó tính nhất.

HD Bank có “quên” cập nhật Mon City? - Ảnh 2
Vẫn cần những bản hợp đồng “người thật – việc thật” thể hiện vai trò bảo lãnh tín dụng cho khách hàng, bên cạnh những gì sự kiện mở bán tung hô? 

Về cơ bản, gần như không có vấn đề gì về minh bạch vai trò của HD Bank tại dự án của chủ đầu tư Hải Đăng. Tuy nhiên, truy cập vào trang thông tin chính thức của HD Bank (ngày 21 tới chiều ngày 22/1), danh mục dự án BĐS được HD Bank chấp nhận cho khách hàng cá nhân vay mua sản phẩm không hề tồn tại chủ đầu tư Hải Đăng cũng như Mon City Mỹ Đình.

Giải đáp thắc mắc này, chuyên viên phụ trách khách hàng của HD Bank chi nhánh Hà Nội (Kim Mã, Ba Đình), cho hay HD Bank đang đồng tài trợ dự án MonCity rồi.

“Về việc không có tên chủ đầu tư và dự án trong danh sách chấp nhận của Ngân hàng là vì đây là thỏa thuận giữa chi nhánh Hà Nội và chủ đầu tư bên đó, chứ không phải các chi nhánh khác. Em nghĩ, có thể là website của ngân hàng chưa cập nhật lên trang chủ. Chứ hôm nay anh ra nhà dự án sẽ thấy banner của HDBank ở đó”, chuyên viên của HD Bank giải thích.

Cuộc trao đổi trên diễn ra vào 15h33’ ngày 21/1. 24 giờ sau, website của Hdbank vẫn chưa “nhắc” tới dự án tiêu điểm ở Mỹ Đình cũng như công khai mức ưu đãi cho vay mua nhà/bảo lãnh tiến độ bàn giao sản phẩm MonCity. Thậm chí, nội dung thể hiện kết quả kinh doanh (báo cáo tài chính, báo cáo thường niên) của ngân hàng này mới chỉ dừng ở mốc 2014.

Thời gian trước, HDBank là một trong số nhiều ngân hàng “chậm” niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (hiện vẫn ở dạng OTC). Còn nhớ, kế hoạch niêm yết đã được HDBank trình cổ đông trong nhiều kỳ đại hội đồng cổ đông trước, song vẫn chưa thực hiện.

Lãnh đạo HDBank từng cho biết, trong 2 năm qua, ngân hàng phải thực hiện kế hoạch nhận sáp nhập DaiABank và mua lại Công ty Tài chính SGVF (như một lý giải cho việc chậm “lên sàn”).

Ghi nhận ý kiến chuyên gia kinh tế, một nguyên nhân khiến các ngân hàng chậm chế lên sàn là do nếu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đồng nghĩa với việc ngân hàng phải minh bạch hoạt động kinh doanh, công khai báo cáo tài chính.

Năng lực chủ đầu tư đến đâu?

Liên quan tới thực lực (khả năng chuyên môn và hầu bao) của chủ đầu tư dự án, là tính xác thực của thông tin doanh nghiệp đang nắm giữ nhiều dự án đình đám ở các địa bàn gần Hà Nội.

Tại lễ mở bán Mon City, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sẽ cung cấp thông tin công khai, trong đó nhắc tới moncity.vn, website chính thức của dự án. Website này link tới trang hdmon.com.vn, trong đó có nêu chi tiết về quá trình hình thành, cổ phần hóa chuyển đổi của doanh nghiệp.

Trong mục giới thiệu các dự án mới (được cho là do HD Holdings nắm giữ hoặc hợp tác đầu tư) bao gồm: Dự án khách sạn, trung tâm thương mại phía bắc cầu Hồng Phú, Phủ Lý, Hà Nam; Dự án khu nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại số 29 Láng Hạ; Dự án khu nhà ở cao cấp và thương mại Số 1 Quốc Tử Giám có tổng diện tích 10.425m2; Dự án khu đô thị mới hiện đại phía Đông Hòn Cặp Bè (Quảng Ninh)…

HD Bank có “quên” cập nhật Mon City? - Ảnh 3
HD Holdings được cho là “người khổng lồ” mới nổi với hàng loạt dự án khủng khắp miền Bắc. 

Ở những dự án minh chứng cho thực lực của Hải Đăng, doanh nghiệp đều nêu công khai danh tính chủ đầu tư (là đơn vị thuộc HD Holdings hoặc pháp nhân liên danh sáng lập nên).

Về trường hợp Dự án khách sạn, trung tâm thương mại phía bắc cầu Hồng Phú, Phủ Lý, Hà Nam: chủ đầu tư được nêu là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hải Đăng; Vị trí thị xã Phủ Lý; Khách sạn, trung tâm thương mại; Tổng diện tích khu đất: 11.360 m2; Quy mô dự án: 01 tòa tháp khách sạn 21 tầng kết hợp và 10 biệt thự song lập; Tiến độ thực hiện: 2016-2019…

Tuy nhiên, thực hư về chủ đầu tư tổ hợp thương mại – khách sạn quy mô nhất nhì địa bàn tỉnh Hà Nam lại ít ai nắm được (ngoại trừ HD Holdings đang xưng danh).

Tra cứu tại cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam, cho thấy có một dự án “sêm sêm” về hạng mục, diện tích đất được nhắc tới. Cụ thể, ngày 23/12, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ trao giấy chứng nhận chấp thuận đầu tư dự án Tổ hợp Khách sạn 5 sao và Trung tâm Thương mại Mường Thanh. Dự án này do Tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng và đặt tại khu đất phía Bắc cầu Hồng Phú, Phủ Lý với diện tích 12.000 m2 và tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng.

Ngày 21/1, trao đổi với người viết (trong vai nhà đầu tư có nhu cầu tại dự án do HD Holdings làm chủ đầu tư ở Hà Nam), đường dây nóng của doanh nghiệp cho biết: Sẽ cho nhân viên liên lạc lại, do hiện tại đang tập trung cho dự án ở Mỹ Đình.

(Theo Bizlive)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục