Bộ Xây dựng quy định chống "độc quyền" nhà chung cư

(Kinhdoanhnet) - Một số nội dung mới và sửa đổi tại dự thảo Thông tư quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư vừa được Bộ Xây dựng (XD) đưa ra lấy ý kiến các Bộ, ngành và giới chuyên gia nhằm quản lý hoạt động chung cư thời gian tới.

Bộ Xây dựng quy định chống "độc quyền" nhà chung cư - Ảnh 1
Quản lý, vận hành và khai thác nhà chung cư sẽ bị quản lý chặt chẽ, chống độc quyền và cát cứ trong thời gian tới.

Cụ thể, Bộ Xây dựng sửa đổi Khoản 9, Điều 29 về quản lý vận hành nhà chung cư, quy định: quản lý, vận hành nhà chung cư phải được thực hiện thông qua hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư ký giữa đơn vị quản lý vận hành và Ban quản trị (BQT) tòa nhà.

“Hợp đồng dịch vụ các bên ký kết phải đăng tải công khai tên đơn vị quản lý, họ tên người đại diện pháp luật, địa chỉ và số điện thoại liên lạc của đơn vị quản lý, vận hành”, Dự thảo của Bộ XD khẳng định.

Để chống việc bắt tay giữa chủ đầu tư, thành viên BQT (trong các thành viên BQT có đại diện chủ đầu tư dự án chung cư) với đơn vị vận hành, Bộ XD đề nghị các Sở Xây dựng có trách nhiệm đăng tải công khai các thông tin của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình để phục vụ công tác quản lý. Trước khi ký kết hợp đồng quản lý vận hành nhà chung cư, thông qua Hội nghị nhà chung cư (gồm cư dân nhà chung cư), người dân có thể căn cứ các thông tin trên, lựa chọn các đơn vị vận hành tốt nhất, kiến nghị BQT ký hợp đồng vận hành với các đơn vị được lựa chọn.

Gần đây, Hà Nội liên tục xảy ra những rắc rối tại các khu chung cư liên quan đến sở hữu chung riêng. Đơn cử như tranh chấp tại một chung cư cao cấp tại quận Cầu Giấy, Hà Nội bất ngờ bùng phát. Nguyên nhân của tranh chấp này xuất phát từ sự nhập nhèm trong việc sử dụng 2% quỹ bảo trì chung cư trong suốt 3 năm qua.

Câu chuyện tranh chấp liên quan đến phí bảo trì như tại chung cư trên đã trở thành quen thuộc, xảy ra từ chung cư cao cấp, đến giá rẻ, cả Bắc và Nam. Có thể kể đến hàng loạt vụ tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì như tại Chung cư NO17-1 Sài Đồng, Keangnam, Sky City Láng Hạ, 4S Riverside, Era Town…

Không chỉ liên quan đến quỹ bảo trì, tranh chấp chung cư còn xuất phát từ rất nhiều lý do khác. Nói như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà Việt Nam (VBMA): “Nhà ở cao tầng mới chỉ rộ lên 10 - 15 năm trở lại đây, những văn hóa, phương thức quản lý chung cư chúng ta còn bỡ ngỡ. Từ việc bỡ ngỡ, chúng ta không có hành lang pháp lý chuẩn, dẫn đến chuyện luôn luôn có những va vấp giữa những cư dân với chủ đầu tư, đơn vị quản lý, mỗi người hiểu một kiểu khác nhau”. Do sự phức tạp trong luật lệ, quy định, văn bản, chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này không đơn giản.

Mai Hoa - (Theo Dân trí, VnE)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục