5 tháng đầu năm 2015: FDI đổ vào BĐS tăng mạnh

(Kinhdoanhnet) - Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết ngày 20/5/2015 vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút thêm hơn 130 triệu USD vốn FDI, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ước tính giải ngân được khoảng 4,95 tỷ USD, tăng khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm 2014.

5 tháng đầu năm 2015: FDI đổ vào BĐS tăng mạnh  - Ảnh 1
5 tháng đầu năm: FDI đổ vào BĐS tăng mạnh so với cùng kỳ 2014

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính từ đầu năm đến nay đã có 1.196 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) "đổ" vào lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký khoảng 11,5 tỷ USD, chiếm 6,5% tổng số dự án và 4,5% tổng vốn đầu tư của cả nước và đứng thứ ba về ngành lĩnh vực thu hút FDI.

Trong báo cáo này của Cục đầu tư nước ngoài, thì đến thời điểm trên, cả nước đã có 592 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,95 tỷ USD, bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, có tổng số 210 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm khoảng 1,34 tỷ USD, chiếm khoảng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm cũng đạt 4,29 tỷ USD, chiếm khoảng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quy mô bình quân dự án trong lĩnh vực xây dựng là 9,64 triệu USD. Riêng lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai với 10 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 327 triệu USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, trong 5 tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào tất cả 14 ngành lĩnh vực, trong số này, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số 269 dự án đầu tư đăng ký mới và 142 lượt dự án tăng vốn. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm vào khoảng 3,15 tỷ USD, bằng 73,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Đứng thứ 2 là lĩnh vực kinh doanh BĐS với 10 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 461,5 triệu USD, bằng 10,7% tổng vốn đầu tư. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 5 vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút thêm trên 130 triệu USD vốn FDI.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, hiện nay, đã có 47 quốc gia và vùng lãnh thổ đặt dự án đầu tư tại nước ta. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 1,1 tỷ USD, bằng 25,7% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Đứng vị trí thứ 2 là BritishVirginIslands với số vốn đổ vào đạt khoảng 663,24 triệu USD bằng 15,4% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt khoảng 660,2 triệu USD, bằng 15,3% tổng vốn đầu tư;...

Xét theo địa bàn đầu tư, trong 5 tháng vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào tất cả 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tp.HCM trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 983,5 triệu USD, bằng 22,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp thứ 2 là Đồng Nai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 948,7 triệu USD, tương đương 21,1% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, 5 tháng qua cũng ghi nhận, dù có một số dự án lớn được cấp phép nhưng cũng chưa có dự án nào đạt quy mô vốn trên 1 tỷ USD. Đứng đầu là dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư khoảng 660 triệu USD của nhà đầu tư đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án đặt tại KCN Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.

Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, trong những tháng đầu năm 2015, đã có nhiều tập đoàn đầu tư BĐS lớn trong khu vực và thế giới đã đến tìm hiểu và đang có ý định biến kế hoạch đầu tư thành hiện thực với nhiều dự án quy mô lớn. Trong đó, phải kể đến như các tập đoàn của Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… đều đã làm việc với nhiều địa phương trong cả nước để sớm tiến đến hiện thực hóa các dự án đầu tư trong năm tới.

Chẳng hạn, Amata Thái Lan đang tích cực làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai về chiến lược “rót” trên 400 triệu USD vào tỉnh này để đầu tư xây dựng khu phức hợp cao cấp mang tên thành phố Long Thành. Tập đoàn này cũng đang “săn” đất sạch ven biển tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) để đầu tư một dự án khu nghỉ dưỡng nhằm đón đầu cơ hội khi dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội đi vào hoạt động. Một tập đoàn BĐS hàng đầu khác là Capitaland cũng đã cam kết sẽ đầu tư 3 dự án mới trong năm 2015 nhằm phát triển hàng nghìn căn hộ cao cấp tại TP.HCM…

Trao đổi với chúng tôi sáng 26/5, ông Chen Lian Pang, Giám đốc Điều hành tập đoàn Capitaland, đã tiết lộ rằng trong chiến lược đầu tư dài hạn sắp tới vào thị trường BĐS Việt Nam, Capitaland vẫn trung thành với các dự án nhà ở trung và cao cấp. "Sắp tới, ngoài những dự án đã được chúng tôi mua lại trước đây, một số dự án khác cũng đang được Capitaland thương thảo để mua lại toàn bộ 100% nhằm phát triển các sản phẩm chung cư cao cấp mới".

Theo Công ty TNHH Savills Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc đang có sự quan tâm trở lại thị trường BĐS Việt Nam. Họ đang nhắm đến việc mua những tài sản có dòng tiền ổn định, như tòa nhà văn phòng, căn hộ dịch vụ và khách sạn.

Cũng theo chia sẻ của Capitaland, so với nhiều thành phố của một số nước trong khu vực ASEAN thị trường BĐS Việt Nam đang có lợi thế rất lớn, nhất là tại TPHCM và Hà Nội. Chẳng hạn, thị trường BĐS Singapo hiện giờ đã quá bảo hòa, quỹ đất hầu như đang bị nén quá chặt. Còn tại Manila (Philippines), thị trường đang xuất hiện tình trạng bong bóng, chính trị luôn bất ổn. Do vậy, Việt Nam trong vòng 2 năm tới sẽ là điểm đến tốt nhất của giới đầu tư BĐS quốc tế.

Ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam, nhìn nhận rằng trên thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện hai đối tượng nhà đầu tư nước ngoài rất rõ nét. Đó là dòng vốn FDI “chảy” vào Việt Nam từ các công ty sản xuất với nhiều năng lực tài chính, kinh nghiệm. Những công ty này sẽ xem xét nhiều môi trường đầu tư tại các nước trong khu vực, để từ đó họ chọn một điểm đến cạnh tranh nhất.

Nhóm thứ hai gồm các chủ đầu tư BĐS, họ xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam ở mọi khía cạnh của thị trường, từ văn phòng cho thuê, nhà ở, đất nền, khu đô thị, căn hộ thương mại và ngay cả nhà ở xã hội… Đặc biệt, khi Việt Nam đang ở “tâm điểm” của mọi hiệp định kinh tế song phương và đa phương.

“Lý do mà họ đến với Việt Nam xuất phát từ việc thị trường tại nơi chính quốc đã bão hòa, hoạt động đầu tư không còn khả năng sinh lời cao. Thứ hai, tại Việt Nam vẫn có những yếu tố phát triển BĐS rất thuận lợi như tốc độ đô thị hóa tăng cao, dân số trẻ, chính trị ổn định, chính sách phát triển thị trường BĐS đã cỡi mở và thông thoáng nhiều. Chính vì các yếu tố này mà ngày càng nhiều nhà đầu tư BĐS đa quốc gia tăng tốc đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam, tạo tính cạnh tranh mạnh mẽ cho thị trường”, ông Marc Townsend nói.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Vneconomy)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục