Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân?

Xưởng gỗ Freshome (khu đấu giá tái định cư (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) hoạt động sản xuất rầm rộ hàng ngày trong khu dân cư gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân quanh khu vực. Nhiều hộ dân đã phản tình trạng ô nhiễm không khí đến UBND phường Kiến Hưng. Tuy nhiên, lãnh đạo phường Kiến Hưng có vẻ coi việc này là nhỏ? khi không trả lời thỏa đáng cho người dân.

Vừa qua, Báo Kinh doanh và Pháp luật nhận được đơn của ông Nguyễn Văn Thịnh và một số hộ dân khu đấu giá tái định cư Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) về việc trong khu dân cư ông sống xuất hiện xưởng gỗ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân khu vực.

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 1
Đơn xin giúp đỡ của anh Thịnh và các hộ dân đã nhiều lần gửi đến UBND phường Kiến Hưng.

Cụ thể, trong đơn ông Thịnh cho biết năm 2016 tại lô đất số 14 cạnh nhà ông xuất hiện một xưởng chứa sơn PU do một người đàn ông tên G. làm chủ. Sau đó người này tiếp tục thuê 3 lô đất liền kề số 10, 11, 12 dựng mái tôn, đổ bê tông kiên cố để làm xưởng xẻ gỗ.

Hàng ngày, hoạt động của xưởng gỗ này gây tiếng ồn và khói bụi, đặc biệt xưởng chứa loại sơn PU không được bảo quản kỹ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sống xung quanh.

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 2
Xưởng gỗ Freshome nằm giữa khu dân cư.

Mục sở thị xưởng gỗ này, PV ghi nhận đang có gần chục công nhân làm việc trong xưởng, tiếng ồn, bụi bặm mù mịt cả một khu vực quanh xưởng.

"Các hộ dân bị ảnh hưởng chúng tôi đã sang góp ý nhiều lần nhưng họ bỏ ngoài tai cứ tiếp tục làm. Đầu năm vừa rồi vì tiếng ồn và khói bụi nguy hiểm nên tôi đã phải bỏ ra tới 50 triệu đồng để thay lại toàn bộ hệ thống kính cửa sổ 5 tầng nhà" - Ông Thịnh bức xúc.

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 3
ÔngThịnh phải bỏ ra số tiền lớn để thay lại hệ thống cửa sổ tránh ô nhiễm.

Trao đổi với PV, ông Ứng Hữu Hợp (tổ trưởng tổ dân phố số 20, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh từ phía anh Thịnh và một số hộ dân khu vực này chúng tôi cũng đã xuống kiểm tra và nhắc nhở, tuy nhiên khi chúng tôi xuống chủ xưởng gỗ luôn cho dừng hoạt động và bảo có làm gì đâu".

Sau nhiều lần nhắc nhở không được, ông Thịnh và một số hộ dân trong khu vực đã làm đơn kiến nghị gửi lên UBND phường Kiến Hưng, nhưng theo ông Thịnh, đến nay các hộ gia đình chưa hề nhận được phản hồi từ phía UBND phường.

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 4
Giấy biên nhận đơn kiến nghị của UBND phường Kiến Hưng.

Ông Lưu Quang Tịnh (trưởng ban công tác mặt trận, tổ dân phố số 20. phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cho biết: "Phía công tác mặt trận đã phối hợp với tổ dân phố để cùng nhau giải quyết. Chúng tôi không rõ việc mở xưởng sản xuất nằm giữa khu dân cư là đúng hay sai nhưng làm gì cũng phải đảm bảo an toàn cho môi trường và cuộc sống của người dân".

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 5
Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 6
Xưởng sơn PU ẩn chứa nhiều độc hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân.

Được biết, trong khu vực có nhiều gia đình có con nhỏ. Anh Hùng (Lô số 8) lo ngại: "Không biết có phải do hoạt động của xưởng gỗ và tác hại của sơn PU không nhưng bé nhà tôi thường xuyên bị ốm liên quan đến đường hô hấp. Nếu thật sự có tác hại đến sức khỏe trực tiếp như thế anh yêu cầu nên chấm dứt hoạt động của xưởng".

Theo chuyên gia cho biết, sơn PU là loại hóa chất phổ biến sử dụng trong công nghiệp gia dụng. Khi tiếp xúc trực tiếp với loại sơn này, người sử dụng tốt nhất là dùng các loại khẩu trang chuyên dụng. Ngoài ra, nếu để sơn PU bám lên người, chân tay thì nên tẩy rửa ngay, không để sơn ở trên cơ thể quá lâu bởi nó thể gây nên những bệnh ngoài da. Đặc biệt, nếu hít phải sơn với liều lượng quá nhiều, trong thời gian quá lâu có thể dẫn tới ngộ độc, viêm đường hô hấp trên. Tuy nhiên, nếu sơn đã khô thì chúng lại trở lên khá vô hại vì các hóa chất trong sơn không có khả năng phát tán ra môi trường xung quanh nữa.

Trước những tác hại của sơn PU thì nên chăng có quy định về cách thức sử dụng, nơi được sử dụng một cách an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe của con người và môi trường xung quanh.

Theo quan sát của PV, ngoài diện tích lô đất được dựng nhà xưởng sản xuất, chủ xưởng này còn ngang nhiên lấn chiếm diện tích đất nông nghiệp phía sau. Hàng chục m2 đất được đổ nền bê tông, bắn mái tôn kiên cố làm nơi sản xuất.

Hà Nội: Xưởng gỗ hoạt động trong khu dân cư, lấn chiếm đất gây ảnh hưởng cuộc sống người dân? - Ảnh 7
Hàng chục m2 đất nông nghiệp phía sau được đổ bê tông, dựng mái tôn kiên cố.

Trao đổi với PV Kinh doanh và Pháp luật, ông Hoàng Văn Mạnh (phó chủ tịch phường Kiến Hưng) cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh từ phía người dân, phường đã cho đội quản lý đô thị xuống kiểm tra ngay hôm đó. 

Qua kiểm tra thì có thể nói đây là xưởng gỗ làm việc tốt nhất ở đây và mức độ ảnh hưởng cũng như ô nhiễm không đúng như đơn kiến nghị cho lắm vì thế nên chúng tôi cũng không phản hồi lại cho chỗ anh Thịnh. Để sau hôm nay tôi sẽ trao đổi lại ngay".

Khi được hỏi về giấy phép và điều kiện hoạt động của xưởng này, ông Mạnh cho biết vấn đề này không thuộc quản lý của ông nhưng họ là công ty thì chắc là họ có giấy phép thôi.

Theo ông Mạnh khẳng định, nếu xưởng này tiếp tục hoạt động quá giờ hành chính người dân có thể báo cho chúng tôi tiếp tục xuống xử lý ngay. Còn bây giờ việc lấn chiếm đất thì ở đây có nhiều nhà cũng lấn chiếm nếu giải tỏa thì phải giải tỏa hết. Mình yêu cầu thì họ gỡ xuống là được mà.

Vậy, một xưởng gỗ có thể ngang nhiên hoạt động rầm rộ ngay giữa khu dân cư nhưng lý do gì UBND phường không hề biết có giấy phép hoạt động hay không? Nếu việc sản xuất và hoạt động của xưởng gỗ này có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

Báo Kinh doanh và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Khoản 2 Điều 37. Bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ – Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ:

“2. Cơ sở sản xuất hoặc kho tàng thuộc các trường hợp sau đây không được đặt trong khu dân cư hoặc phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

a) Có chất dễ cháy, dễ gây nổ;

b) Có chất phóng xạ hoặc bức xạ mạnh;

c) Có chất độc hại đối với sức khoẻ người và gia súc, gia cầm;

d) Phát tán mùi ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người;

đ) Gây ô nhiễm nghiêm trọng các nguồn nước;

e) Gây tiếng ồn, phát tán bụi, khí thải quá tiêu chuẩn cho phép”

 

Thành Lâm - Việt Chinh

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục