Công ty cổ phần May Thăng Long: "Những bức xúc của các cổ đông"

(KDPL) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP May Thăng Long bất ngờ tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ tại một công ty xây dựng, các cổ đông cho rằng, có khuất tất trong sự việc này.

Công ty cổ phần May Thăng Long  được thành lập ngày 08/5/1958 tiền thân là Công ty May Thăng Long trực thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tháng 12/2006 Công ty cổ phần May Thăng Long thực hiện việc cổ phần hóa để chuyển thành Công ty cổ phần May Thăng Long, ông Đỗ Đình Thu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là đại diện trước pháp luât của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Econ đã từng bước trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Thăng Long.

Sau 05 năm không tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), ngày 15/8/2017, ông Đỗ Đình Thu bất ngờ tổ chức họp ĐHĐCĐ Công ty May Thăng Long tại trụ sở của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Econ - số 1004 Đường Láng, Hà Nội.

Cuộc họp được tổ chức rất cẩn thận về mặt an ninh với sự tham gia của đội ngũ bảo vệ đông đảo và chuyên nghiệp - Công ty Bảo An nhưng vẫn bộc lộ sự vội vàng, thiếu sót trong công tác tổ chức khi không mời một số Cổ đông trong Công ty Cổ phần May Thăng Long tham dự cuộc họp HĐQT. Một số Cổ đông công ty đã đến để công khai lên tiếng phản đối cuộc họp này vì họ cho rằng việc ông Đỗ Đình Thu tổ chức cuộc họp này đã vi phạm các quy định tại điều 32 và 34 Điều lệ Công ty cũng như vi phạm các quy định của Luật doanh nghiệp về trình tự, các bước cần thực hiện trước khi tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên.  

Ngày 15/8/2017, trao đổi với phóng viên, nhóm cổ đông đến phản đối cuộc họp cho biết: “Việc tổ chức cuộc họp này chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch và có nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích của chúng tôi nên chúng tôi đến đây để phản đối cuộc họp này”.

Cụ thể, ông Đào Xuân Dân có ý kiến: “Tại sao Công ty Cổ phần May Thăng Long phải tổ chức họp ĐHĐCĐ tại trụ sở Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Econ trong khi có rất nhiều cổ đông Công ty May Thăng Long không được mời? Phải chăng ông Đỗ Đình Thu đang muốn che giấu điều gì?”.

Công ty cổ phần May Thăng Long: "Những bức xúc của các cổ đông" - Ảnh 1
Các cổ đông bỏ ra về phản đối cuộc họp Hội đồng cổ đông của công ty May Thăng Long.

Ông Mai Tiến Dũng, người nắm giữ 2.399 cổ phiếu công ty cho biết: “Việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày hôm nay là không đúng về trình tự thủ tục tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, là vi phạm Điều lệ Công ty cũng như các quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc này tôi đã trình bày rất rõ ràng trong bản kiến nghị đề nghị hoãn cuộc họp Đại hội đồng cổ đông này và đã gửi đến Công ty May Thăng Long ngày 11/8/2017. Không hiểu cuộc họp được tổ chức vì lý do gì và những người đứng ra tổ chức cuộc họp này có mưu toan tính toán gì? Tại sao các ông/bà lại phải vội vàng tổ chức cuộc họp này một cách trái pháp luật, thiếu minh bạch như vậy? Trong khi suốt từ năm 2012 đến nay chưa hề có cuộc họp nào”.

Bà Vũ Thị Liên - Uỷ Viên HĐQT cùng nhóm cổ đông đến phản đối cuộc họp ngày 15/8/2017 nêu quan điểm: Từ năm 2012 - 2017, Công ty CP May Thăng Long không tổ chức Đại hội đồng cổ đông để thông qua Báo cáo tài chính chi tiết và Phương án sản xuất kinh doanh, không gửi báo cáo tài chính cho các Thành viên HĐQT mặc dù trong Điều lệ đã quy định rõ tại Điều 27 khoản 1 Điều lệ là “Đại hội đồng cổ đông ít nhất được tổ chức một năm một lần và họp HĐQT 3 tháng một lần” nhưng Chủ tịch HĐQT không Đại hội đồng cổ đông và không họp HĐQT như quy định. Mặc dù các thành viên HĐQT đã rất nhiều lần làm công văn yêu cầu họp HĐQT và tổ chức Đại hội đồng cổ đông nhưng không được Chủ tịch HĐQT chấp thuận. Đã rất nhiều lần HĐQT yêu cầu bố trí một Tổng giám đốc mới nhưng ông Đỗ Đình Thu vẫn cố tình không thực hiện. Ông Đỗ Đình Thu đang “vừa đá bóng vừa thổi còi”“tay phải ký hợp đồng với tay trái”.

Công ty cổ phần May Thăng Long: "Những bức xúc của các cổ đông" - Ảnh 2
Bà Vũ Thị Liên trả lời báo chí.

Trong quá trình điều hành, ông Đỗ Đình Thu đã lợi dụng quyền hạn của mình đưa ra những quyết định không đúng với Điều lệ Công ty, trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của Công ty May Thăng Long và gây thiệt hại cho các cổ đông. Ông Đỗ Đình Thu đã dùng tài sản Dự án Công ty CP May Thăng Long đi thế chấp vay vốn Ngân hàng và dùng số tiền này để chi trả các chi phí hoạt động của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Econ. Thất thoát do ông Đỗ Đình Thu quyết định xây dựng một số Công trình trái phép và đã bị các cơ quan chức năng yêu cầu phá dỡ gây thiệt hại cho Công ty lên đến hàng chục tỷ đồng. Vậy ai là người chịu trách nhiệm về sự việc nay?

Việc lựa chọn Đơn vị thầu phụ và chào giá các TTB, ông Đỗ Đình Thu đã tự đưa ra quyết định giao cho Tổng thầu làm và chịu trách nhiệm không thông qua HĐQT, việc này có dấu hiệu khuất tất, không minh bạch. Mặc dù chưa có hóa đơn VAT nhưng ông Đỗ Đình Thu vẫn ứng tiền cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Econ – do ông Thu làm đại diện. Hậu quả là Công ty May Thăng Long phải nộp thuế VAT giá trị 35.000.000.000 đồng (Ba mươi lăm tỷ đồng) đầu ra cho các Hộ dân  trong khi Công ty CP Đầu tư Xây dựng Econ không viết Hóa đơn cho Công ty May Thăng Long . Như vậy, Công ty May Thăng Long vừa phải trả lãi khoản vay nộp thuế và phạt nộp chậm VAT (phạt 17.000.000.000 đồng - Mười bảy tỷ đồng).

Việc tạm ứng và thanh toán giữa hai pháp nhân do ông Đỗ Đình Thu làm đại diện không thực hiện đúng quy định Luật Đầu tư xây dựng cơ bản, tạm ứng tiền bừa bãi không có chứng từ hợp lệ như Biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành, Hóa đơn VAT. Việc Chủ tịch HĐQT đưa ra phương án thay đổi kết cấu và kiến trúc công trình đòi hỏi phải được thiết kế lại và lập tổng dự toán mới và phải được HĐQT thông qua thì mới mới được phê duyệt nhưng đến nay mặc dù công trình đã được đưa vào sử dụng nhưng vẫn không được thực hiện việc phê duyệt nêu trên.

Trong khi Dự án đã bàn giao sử dụng cho các Hộ dân từ tháng 12/2014 nhưng đến nay HĐQT vẫn chưa có quyết định phê duyệt Tổng dự toán và thiết kế sửa đổi. Đến năm 2015 doanh thu tầng hầm vẫn không đưa vào báo cáo tài chính. Vậy mà chi phí điện nước, bảo vệ. khấu hao tầng hầm vẫn đưa vào chi phí là không đảm bảo tính minh bạch trong công ty.

Bà Vũ Liên cho biết thêm: “Mặc dù Khối Văn phòng 25 tầng (tòa nhà A1) HĐQT Công ty đã đồng ý chuyển nhượng sang cho Công ty CP Đầu tư Xây dựng Econ nhưng Ban điều hành vẫn không làm thủ tục sang tên để khi hạch toán các chi phí đối với tòa nhà này vẫn được hạch toán cho Công ty CP May Thăng Long gây thiệt hại cho các cổ đông. Vậy tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng tạm dừng việc chuyển nhượng, sang tên toà nhà A1 nói riêng cũng như toàn bộ các tài sản của Công ty May Thăng Long để tránh những khiếu kiện không đáng có”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục