Bài 4: Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rút giấy phép hoạt động?

(Kinhdoanhnet.vn) - Với hành vi tuyển người lao động đi Rumani khi chưa được cấp phép, Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạm dừng hoặc rút giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.

Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (DN XKLĐ) đã có những sai phạm, điển hình là thu phí của người lao động (NLĐ) quá cao; DN không có giấy phép hoặc hết phép XKLĐ vẫn hoạt động.

Gần đây nhất là sự việc Công ty Cổ phần xây dựng, Cung ứng nhân lực & xuất nhập khẩu Thiên Ân (gọi tắt chi nhánh Công ty XKLĐ Tamax) tuyển người lao động đi Rumani trái phép khiến nhiều người lao động bức xúc bởi họ đã bị Tamax đánh lừa khi mời chào họ một cách chắc chắn, đủ cơ sở pháp lý...

Bài 4: Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rút giấy phép hoạt động? - Ảnh 1
Bài 4: Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rút giấy phép hoạt động? - Ảnh 2
Thông báo đóng dấu đỏ của Công ty Tamax đến người lao động.

Như Báo Kinh doanh và Pháp luật đã thông tin, Công ty XKLĐ Tamax đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 10/04/2014. Tuy nhiên, Công ty Tamax chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép xuất khẩu người lao động sang Rumani.

Vậy Công ty XKLĐ Tamax đã vi phạm quy định nào của pháp luật và chế tài xử lý ra sao? về vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì chỉ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, có hợp đồng cung ứng lao động cho đối tác nước ngoài đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chấp thuận thì mới được phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các doanh nghiệp này phải trực tiếp tuyển chọn lao động, không được ủy quyền hoặc hợp tác với các doanh nghiệp không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tuyển chọn lao động.

Do vậy, Công ty Tamax mặc dù đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ ngày 10/04/2014, nhưng công ty lại không có hợp đồng cung ứng lao động cho đơn hàng đi Rumani và chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép tuyển chọn lao động đi làm việc ở Rumani nhưng công ty vẫn tiến hành thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc ở Rumani, tư vấn, thu tiền của người lao động là trái với quy định của pháp luật.

Bài 4: Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rút giấy phép hoạt động? - Ảnh 3
Lao động được Công ty XKLĐ Tamax tổ chức thi tuyển đơn hàng ngày (05/10). Ảnh cắt từ clip

Theo quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 4, Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì Công ty XKLĐ Tamax sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:

“b) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động dịch vụ việc làm mà không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm hết hạn.”

Như vậy, Công ty Tamax không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp nên sẽ bị xử phạt từ 45.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Bài 4: Công ty XKLĐ Tamax có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội rút giấy phép hoạt động? - Ảnh 4

Ngoài ra, Công ty Tamax buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là: Trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định trên.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt nam quy định: Công ty được cấp phép XKLĐ đi nước ngoài không được thu bất cứ một khoản phí nào khi người lao động đến tuyển dụng, nhưng trên thực tế theo những người lao động đến thi tuyển tại công ty này cho biết họ phải đóng 200 nghìn đồng/1 người cho Tamax.

Hành vi thu tiền trái quy định này đã vi phạm điểm a, khoản 2, Điều 4a Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức phạt cụ thể đối với hành vi này là phạt tiền từ 1.000.000 đồng  đến 3.000.000 đồng.

Với những hành vi vi phạm nêu trên, ngoài biện pháp xử lý hành chính và khắc phục hậu quả theo quy định, Công ty XKLĐ Tamax còn có thể bị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạm dừng hoặc rút giấy phép hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.

Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này./.

Tiến Thành

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục