Xét xử vụ góp vốn vào Ocean Bank: Viện Kiểm sát đề nghị các mức án nghiêm khắc

Sáng 22/3, phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) bước sang phần tranh luận.

Xét xử vụ góp vốn vào Ocean Bank: Viện Kiểm sát đề nghị các mức án nghiêm khắc - Ảnh 1
Hội đồng xét xử tại phiên toà. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Đề nghị xử lý nghiêm khắc hành vi chỉ đạo cố ý làm trái

Cụ thể, đối với nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 1999, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) mức án từ 18 năm tù đến 19 năm tù; Ninh Văn Quỳnh (sinh năm 1958, nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) và Vũ Khánh Trường (sinh năm 1954, nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) cùng bị đề nghị mức án từ 7 năm tù đến 8 năm tù; Nguyễn Xuân Sơn (sinh năm 1962, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) bị đề nghị từ 30 tháng tù đến 36 tháng tù; Nguyễn Xuân Thắng (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) bị đề nghị từ 24 tháng tù đến 30 tháng tù; Nguyễn Thanh Liêm (sinh năm 1955, nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN) và Phan Đình Đức (sinh năm 1960, thành viên Hội đồng thành viên PVN) cùng bị đề nghị mức án từ 24 tháng đến 30 tháng cải tạo không giam giữ.

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh bị đề nghị thêm mức xử phạt 17 năm tù đến 18 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Ninh Văn Quỳnh phải chấp hành hình phạt chung cho hai tội từ 24 năm tù đến 26 năm tù.

Về hình phạt bổ sung, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt chính. Đồng thời, kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ lời khai của Nguyễn Xuân Sơn tại phiên tòa liên quan đến việc chi và sử dụng số tiền lãi ngoài hợp đồng.

Hành vi cố ý làm trái của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội

Đại diện Viện Kiểm sát nhận định, từ tháng 9/2008, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào OceanBank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng này. Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo trong vụ án đã tích cực thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào Oceanbank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.

Hậu quả, với năng lực yếu kém của OceanBank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank), OceanBank đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu; dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN tại OceanBank đã bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc Ngân hàng OceanBank để Nhà nước phải khắc phục các hậu quả thiệt hại nặng nề của OceanBank gây ra.


Xét xử vụ góp vốn vào Ocean Bank: Viện Kiểm sát đề nghị các mức án nghiêm khắc - Ảnh 2
Bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa tại phiên toà. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Viện Kiểm sát xác định, hành vi phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn (800 tỷ đồng) của Nhà nước, mà còn xâm hại đến sự đúng đắn trong công tác quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp, Tập đoàn Nhà nước nói riêng, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước và tạo ra dư luận xấu trong xã hội.

Các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành PVN, là những cán bộ đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để đạt vị trí cao trong công tác. Nhưng các bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với những quyết định làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến hậu quả PVN mất vốn 800 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước, lợi ích chung.

Góp vốn khi chưa được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng Thỏa thuận góp vốn số 6934 ngày 18/9/2008 ký với Hà Văn Thắm không có giá trị pháp lý; các nghị quyết góp vốn chỉ mang tính nội bộ; sau khi ký các nghị quyết, bị cáo có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì PVN thực hiện việc chuyển tiền góp vốn cho Oceanbank.

Lần góp vốn thứ 3 (100 tỷ đồng) vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 nhưng bị cáo không biết, nếu bị cáo biết thì không cho thực hiện. Theo bị cáo Đinh La Thăng, việc PVN góp vốn vào OceanBank bị cáo đã thực hiện đúng quy trình theo quy định của pháp luật và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Qua quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên tòa, Viện Kiểm sát xác định: Bị cáo Đinh La Thăng với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN có thẩm quyền cao nhất tại PVN, có trách nhiệm quản lý, bảo toàn và phát triển vốn do Nhà nước giao, nhưng bị cáo đã chỉ đạo và quyết định góp vốn vào OceanBank trái quy định của pháp luật.



Xét xử vụ góp vốn vào Ocean Bank: Viện Kiểm sát đề nghị các mức án nghiêm khắc - Ảnh 3
Các luật sư bào chữa cho bị cáo tại phần tranh luận. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đến tháng 3/2017, khi bị kiểm tra, để che giấu và hợp thức hóa hành vi vi phạm nêu trên, bị cáo Đinh La Thăng đã điện thoại nhờ một số thành viên Hội đồng quản trị ký xác nhận việc Hội đồng quản trị PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank và giao cho Đinh La Thăng ký Thỏa thuận số 6934 với OceanBank. Do cả nể nên ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh và bà Phan Thị Hòa, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị PVN đã ký xác nhận cho Đinh La Thăng vào Giấy xác nhận ghi ngày 28/3/2017.

Riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận theo đề nghị của Đinh La Thăng. Tại phiên tòa, ông Hùng và bà Hòa khẳng định việc ký xác nhận cho bị cáo Thăng là không đúng sự thật. Như vậy, có đủ cơ sở xác định bị cáo Đinh La Thăng biết hành vi của mình là vi phạm và có thủ đoạn che giấu. Do đó lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho rằng hành vi của bị cáo là thực hiện đúng quy định của pháp luật là không có cơ sở.

Như vậy, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng yếu kém của OceanBank, nhưng ngay sau đó lại ký Nghị quyết 7289 về việc tham gia góp vốn 400 tỷ đồng mua 20% cổ phần của OceanBank. Việc ban hành Nghị quyết 7289 của bị cáo Thăng khi chưa được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ là vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điều 27 (Quyền hạn của Hội đồng quản trị) Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ.

Trong đó, quy định việc PVN góp vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank bắt buộc phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin phép về chủ trương trước khi thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật.

Như vậy, khi bị cáo ký Thỏa thuận góp vốn và ban hành Nghị quyết 7289 về việc tham gia góp vốn vào OceanBank (đầu tư ra ngoài PVN) khi chưa được sự chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Đinh La Thăng đã làm trái các quy định nêu trên. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa về việc được sự đồng ý của Thủ tướng là không đúng sự thật khách quan, biện minh cho hành vi vi phạm, né tránh trách nhiệm.

Từ các phân tích nêu trên, Viện Kiểm sát nhận định: Bị cáo Đinh La Thăng biết rõ năng lực yếu kém của OceanBank và bị cáo biết theo các quy định pháp luật khi muốn đầu tư vốn để trở thành cổ đông chiến lược của OceanBank thì phải báo cáo xin chủ trương và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ trước khi ký Thỏa thuận góp vốn và ban hành nghị quyết về việc tham gia góp vốn vào OceanBank.

Nhưng bị cáo Đinh La Thăng đã cố ý không thực hiện và chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái các quy định của Nhà nước; bị cáo đã thực hiện các hành vi vi phạm sau đó mới có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan nhằm hợp thức hóa các hành vi vi phạm (làm trước báo cáo sau). Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng bị cáo làm đúng pháp luật và đã được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Lời khai của bị cáo thể hiện sự bao biện cho hành vi vi phạm pháp luật, né tránh trách nhiệm với hậu quả thiệt hại của PVN, thể hiện sự coi thường pháp luật khi không thực hiện các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về các biện pháp bảo đảm cho hiệu quả của các hoạt động đầu tư.


Xét xử vụ góp vốn vào Ocean Bank: Viện Kiểm sát đề nghị các mức án nghiêm khắc - Ảnh 4
Đại diện Viện kiểm sát đọc Bản cáo trạng luận tội các bị cáo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát kết luận, hành vi của bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm đã đủ căn cứ phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước và PVN 800 tỷ đồng. Do vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố các bị cáo về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 1999 là có căn cứ và đúng pháp luật.

Riêng bị cáo Ninh Văn Quỳnh, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, vì vụ lợi, bị cáo còn có hành vi chiếm đoạt số tiền 20 tỷ đồng. Do vậy, bị cáo Quỳnh bị truy tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Quỳnh đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội, quá trình điều tra bị cáo đã cùng gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 20 tỷ đồng chiếm đoạt. Vì vậy, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ninh Văn Quỳnh./.

Theo Kim Anh – Nguyễn Cúc/TTXVN

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục