Vụ thành lập công ty cổ phần Hàng không SkyViet: Chính phủ chỉ đạo kiểm tra

(Kinhdoanhnet) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo về thông tin báo chí phản ánh dấu hiệu cố ý làm trái quy định của pháp luật trong việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không SkyViet của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, báo cáo Chính phủ trước 31/8.

Theo đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, làm rõ phản ánh của Báo Pháp luật Việt Nam liên quan đến việc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chuyển Công ty bay dịch vụ Hàng không thành công ty cổ phần và góp vốn để thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/8/2016.

Vụ thành lập công ty cổ phần Hàng không SkyViet: Chính phủ chỉ đạo kiểm tra - Ảnh 1
Hãng hàng không SkyViet tiền thân là Vasco. Ảnh minh họa

Trước đó, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đưa tin Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cố ý làm trái quy định trong việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần hàng không SkyViet.

Trong thông cáo báo chí phát đi từ Bộ GTVT về việc đơn vị này báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thành lập Công ty cổ phần Hàng không VASCO, trong đó điểm đáng chú ý nhất chính là việc, Công ty Bay dịch vụ Hàng không (VASCO) – chi nhánh của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ được chuyển đổi thành một hãng hàng không cổ phần tên là SkyViet đều khẳng định: Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1567/TTg- CN ngày 18/10/2007 đã phê duyệt và cho phép VNA xây dựng đề án thành lập hãng hàng không cổ phần trên cơ sở tổ chức lại VASCO.

Tuy nhiên, được biết, trong thương vụ VNA tách đơn vị phụ thuộc (Vasco) và góp 151 tỷ đồng vốn nhà nước để lập SkyViet, VNA khi thực hiện chuyển đổi Vasco thành Công ty Cổ phần SkyViet đã không công bố rộng rãi, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà âm thầm tự ý lựa chọn đối tác là Ngân hàng Techcombank, định giá tài sản nhà nước tại Vasco rất thấp rồi đem đi góp vốn, nghi vấn lợi ích nhóm, thất thoát tài sản nhà nước. 

Hoạt động của SkyViet đặt mục tiêu lợi nhuận thấp hơn gửi tiền kiệm ngân hàng (thấp hơn 38 lần so với trước, chỉ bằng 0,22% vốn điều lệ).

Theo PLVN, việc vì sao Vasco, một đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc, nằm trong cơ cấu VNA- doanh nghiệp do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, sở hữu nhiều vốn, tài sản của Nhà nước đột nhiên được định giá thấp (300 tỷ đồng) sau đó “bán” cổ phần cho Ngân hàng Techcombank, vẫn là một dấu hỏi lớn mà cho tới nay VNA chưa trả lời trước công luận và Bộ GTVT.

Trước những bất thường này, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm rõ phương pháp xác định giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo phù hợp với những phương pháp đã sử dụng khi xác định tài sản tương tự khi cổ phần hoá VNA. Làm rõ căn cứ pháp lý để quyết định việc góp vốn thành lập công ty cổ phần của VNA mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP. Làm rõ việc xác định giá trị góp vốn của VNA (bao gồm tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR 72-500 và động cơ dự phòng máy bat ATR 72).

Mai Anh (TH theo PLVN, Bizlive, Chinhphu.vn)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục