Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới

(Kinhdoanhnet) - Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự sự kiện từ ngày 18-20/1.

Chiều 17/1 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2017 đã khai mạc tại thành phố Davos của Thụy Sĩ.

Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, sáng 17/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ từ ngày 18- 20/1/2017. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới - Ảnh 1
Thủ tướng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Mekong 2016. Ảnh minh họa


Tháp tùng Thủ tướng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, Thụy Sỹ Dương Chí Dũng và lãnh đạo một số địa phương. 

Với chủ đề “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”, Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 dự kiến sẽ có khoảng hơn 300 phiên thảo luận về các nhóm vấn đề: nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực; và phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống nước chủ nhà Doris Leuthard bày tỏ lo ngại tại nhiều khu vực trên thế giới, chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang chiếm ưu thế và xu hướng này tạo ra nhiều mối quan ngại và thách thức cho sự kết nối của cộng đồng toàn cầu và gây trở ngại cho nỗ lực hợp tác của các quốc gia.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos thu hút sự quan tâm và tham dự của nhiều nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. 

Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới thiết lập quan hệ hợp tác năm 1989. Các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á. Năm 2010, Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của 450 đại biểu, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo cấp cao thế giới, thể hiện sự năng động, tích cực của Việt nam, gây ấn tượng tốt đẹp và năng động đối với lãnh đạo Chính phủ các nước và cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2017 tại Davos năm nay, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu sẽ tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ về triển vọng kinh tế Việt Nam, những quyết tâm của Việt Nam về đổi mới toàn diện đất nước và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Điều này cho thấy cam kết xây dựng Chính phủ hành động và kiến tạo phát triển của Việt Nam phù hợp với chủ đề của Hội nghị là “Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm”.  

Hội nghị cũng là dịp để Việt Nam quảng bá về vị thế, vai trò của Việt Nam trên cương vị chủ nhà APEC 2017 nhằm thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động của Năm APEC 2017.

Diễn đàn WEF lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị có tổng số 446 phiên họp, ưu tiên tập trung thảo luận tìm giải pháp cho các thách thức mang tính toàn cầu: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đảm bảo tăng trưởng phải bao trùm; làm chủ và tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; và định hình lại phương hướng và mô hình hợp tác toàn cầu để giải quyết hiệu quả các vấn đề hòa bình, phát triển, các vấn đề nhân đạo, di cư, môi trường...

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục