Thủ tướng cùng 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

Theo chương trình làm việc, tuần này, Quốc hội sẽ dành trọn 3 ngày để thực hiện chất vấn với 4 Bộ trưởng về 4 nhóm vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

Phiên chất vấn diễn ra từ ngày 13 đến 15-6. Căn cứ vào chương trình kỳ họp, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề xã hội quan tâm và phiếu chất vấn của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3.

Theo đó, 4 Bộ trưởng sẽ lần lượt trả lời chất vấn chính tại phiên họp này gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng  Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện. 

ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm

4 nhóm vấn đề chất vấn

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT sẽ trả lời về giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản. 

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT trả lời về giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; Tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. 

Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải ở bệnh viện tuyến trên; Thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. 

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trả lời về quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử...

Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các bộ, ngành này sẽ làm rõ thêm ý kiến của các ĐBQH. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được bố trí thời lượng khoảng 40 phút để phát biểu ý kiến và trả lời chất vấn của ĐBQH vào cuối phiên chất vấn (dự kiến từ 16h05 đến 16h45 ngày 15-6).

ảnh 2

ĐBQH Đỗ Văn Sinh

Vì sao cứ thua trên sân nhà?

Đánh giá 4 nhóm vấn đề được chọn để chất vấn tại kỳ họp này là hợp lý, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) cho biết: “Vấn đề tôi quan tâm nhất là nông nghiệp. Tiềm năng chúng ta có, người nông dân Việt Nam rất cần cù, chịu khó, đôi khi rất sáng tạo nữa nhưng vì sao nông nghiệp Việt Nam không phát triển được? Vì sao đời sống của người nông dân rất khó khăn, không thể sống một cách đàng hoàng trên mảnh đất của mình với công lao động của mình? Khi nào và giải pháp gì để người nông dân không bỏ đồng ruộng ra đi, họ có thể sống được, sống khá giả và làm giàu trên mảnh đất của mình? Vấn đề nữa là thương hiệu. Vì sao nông nghiệp của chúng ta không có thương hiệu? Phải chăng Việt Nam không làm được?”.

Quan tâm tới 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) nói: “Không phải bây giờ chúng ta mới đặt vấn đề về 12 dự án nghìn tỷ đồng thua lỗ, bỏ hoang, gây ra sự lãng phí và bức xúc rất lớn. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, rà soát lại 12 dự án và đã phát hiện ra lỗi rồi, hậu quả cũng đã xác định được là rất lớn, khoảng 63.000 tỷ đồng. Bây giờ vấn đề đặt ra là giải pháp xử lý như thế nào? Nếu không sớm giải quyết, lãng phí càng lớn. Theo tôi, trước mắt, cần xử lý về mặt kinh tế, tức là cái gì trong các dự án, nhà máy kể trên có thể huy động, tái tạo quay trở lại được… thì thực hiện ngay. Thứ hai là xử lý đối với những tổ chức, cá nhân gây thất thoát, lãng phí này”.

Về nội dung chất vấn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng, vấn đề rất quan trọng là tìm ra giải pháp để giúp nông sản nước ta có đầu ra. “Nhiều nông sản của chúng ta đang thua ngay trên sân nhà, trong khi rất nhiều sản phẩm của nước ngoài, từ gạo, thịt bò lại tràn ngập thị trường nước ta. Không có cách nào khác là chúng ta phải tự cứu lấy mình, phải chiếm lĩnh được thị trường trong nước rồi mới đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài”, ĐB Đỗ Văn Sinh nói.

Theo Duy Tiến/An ninh thủ đô

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục