Thiếu tướng Cao Phòng xứng danh anh hùng

(KDPL) - Trong lực lượng Công an nhân dân có một vị tướng và để được phong hàm cấp tướng từ những năm đầu của thập kỷ 80 thế kỷ 20.

Ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Từ cán bộ trinh sát ở Sở Công an Bắc bộ tham gia cuộc đấu tranh chống các thế lực phản động bảo vệ những thành quả của cách mạng trong những ngày đầu thành lập nước đến trận tuyến an ninh đầy cam go và thử thách nhằm đảm bảo an ninh cho cơ quan đầu não ở chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; đến việc tham gia và chỉ đạo hàng trăm vụ án lớn trong cuộc đấu tranh giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự xã hội trong những năm cả nước một lòng xung trận giải phóng miền Nam đưa cả nước đi lên xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội. Hoạt động cách mạng trải dài và vắt qua 2 thế kỷ công tác trong lực lượng Công an nhân dân; ông đã cùng đồng chí, đồng nghiệp lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

Thiếu tướng Cao Phòng xứng danh anh hùng - Ảnh 1
Thiếu tướng Cao Phòng


Đương thời, tôi đã có nhiều lần được tháp tùng ông trong những chuyến đi công tác ở các địa phương. Tại các chuyến đi ấy, tôi đã được nghe ông kể về những công việc mà ông đã từng được tham gia và chỉ đạo. Từ những câu chuyện ông kể trong những chuyến đi công tác ấy, tôi đã nảy ra ý định viết một cuốn sách: “Cuộc đời làm trinh sát của tôi”. Song rất tiếc, cuốn sách đề cập về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, mới chỉ thực hiện được ở thời gian đầu thì ông đã lâm bệnh và đã qua đời bởi căn bệnh ung thư qoái ác.

Tên thật của ông là Nguyễn Đăng Ngọ, ở xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tỉnh Hà Tây cũ; vậy nhưng vượt lên tất cả, ở tuổi thiếu thời, ông vẫn theo học trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An) – Một ngôi trường danh giá thời bấy giờ và thường chỉ dành cho con cái nhà giàu. Sau ngày cách mạng tháng 8 thành công, như bao lớp thanh niên, học sinh ngày ấy, ông tham gia vào đội thanh niên cứu quốc Hà Nội. Là một thanh niên ưu tú và nhiệt huyết cách mạng nên năm 1946 ông được tuyển lựa làm thành viên đội trinh sát của Sở Công an Bắc Bộ. Đây là thời điểm tình hình đất nước, đặc biệt là ở thủ đô Hà Nội diễn biến rất phức tạp. Chính quyền cách mạng vừa thành lập đã phải đứng trước nguy cơ của nạn “Giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”. Để góp phần bảo vệ những thành quả cách mạng, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng, lực lượng Công an mặc dù mới thành lập đã lao ngay vào cuộc chiến đấu và đã giành nhiều chiến thắng xuất sắc. Một trong những chiến công ấy là vụ án Ôn Như Hầu có sự tham gia của người trinh sát trẻ Cao Phòng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), ông được giao nhiệm vụ là cán bộ trinh sát đặc biệt của nha Công an Trung ương, phụ trách các tỉnh: Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Cao Bằng. Do hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, đầu tháng 1 năm 1947, ông được bổ nhiệm giữ cương vị là Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Đại đội độc lập nhằm bảo vệ an toàn khu; bảo vệ Bác. Cũng trong những ngày hoạt động ở chiến khu Việt Bắc; ông đã tham gia điều tra khám phá một số vụ án lớn, trong đó có vụ án Trần Dụ Châu, đại tá Cục trưởng cục quân nhu phạm tội tham ô, thái hóa, biến chất; Vụ trộm hơn 1 vạn tiền Đông Dương ở Nha Công an Trung ương; theo dõi và tham gia điều tra âm mưu hoạt động của cơ quan tình báo và phản gián của thực dân Pháp.

Là một cán bộ Công an giỏi tiếng Pháp nên sau chiến dịch Biên giới và chiến thắng Điện Biên Phủ; ông còn được giao nhiệm vụ hỏi cung, khai thác tài liệu đối với các tù binh của Pháp nhằm phục vụ cho công tác quốc phòng và an ninh. Hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều về làm trưởng phòng nghiên cứu tổng hợp của Cục bảo vệ Chính trị. Ở cương vị này được ít lâu, đến năm 1968, ông được lãnh đạo Bộ Công an bổ nhiệm giữ chức: Cục trưởng cục hồ sơ và 6 năm sau được bổ nhiệm làm Cục trưởng cục Chấp pháp Bộ công an. Ở cương vị này, ngoài việc chỉ đạo việc điều tra, khám phá và mở rộng các vụ án lớn ông còn góp phần xây dựng chương trình, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo; đôn đốc việc triển khai, thực hiện công tác bắt, khám xét, thu giữ, bảo quản tang vật của lực lượng Công an sao cho đúng các quy định của pháp luật; hạn chế oan sai cho người vô tội và bỏ lọt tội phạm. Khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát nhân dân và được phong hàm thiếu tướng; Thiếu tướng Cao Phòng với năng lực và kinh nghiệm của mình đã cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục tập trung nghiên cứu cải tiến, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm; đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa, phát động quần chúng nhân dân ở các địa phương mở các đợt tấn công trấn áp tội phạm. Từ thực tiễn công tác, Thiếu tướng Cao Phòng cũng là người đúc rút, biên tập các tài liệu nhằm tập huấn nghiệp vụ cho công an các đơn vị trực thuộc và công an các địa phương trong việc điều tra, xử lý người phạm tội. Là Phó Tổng cục trưởng phụ trách công tác điều tra, xử lý tội phạm, ông đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nhiệm vụ của Tổng cục và công an các địa phương điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế - hình sự lớn. Đó là các vụ buôn lậu trên toàn viễn dương; vụ tham ô cố ý làm trái ở một số công ty cao su tại các tỉnh Gia lai, Đăklăk, Tây Ninh; vụ nhận hối lộ tại công ty tư vấn pháp luật ở Bộ ngoại thương; vụ khai khống số lượng và chủng loại các mộ xây cất tại nghĩa trang ở tỉnh Quảng Trị...vv

Với những cống hiến trong 43 năm công tác và hoạt động trong lực lượng công an, thiếu tướng Cao Phòng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương kháng chiến chống pháp hạng Nhất, Huân chương quân công và nhiều phần thưởng cao quý khác, trong đó có nhiều huân chương hữu nghị do các nước: Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Lào, Cuba trao tặng. Nhưng có một phần thưởng mà chúng tôi cho rằng là lớn nhất; đó là tình cảm của những người đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân địa phương dành cho ông.

Đánh giá về những cống hiến của thiếu tướng Cao Phòng đối với sự nghiệp giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự - xã hội của đất nước; Trung tướng Phạm Tâm Long, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã khẳng định: “Trải qua 43 năm công tác liên tục, đồng chí Cao Phòng đã cống hiến lớn cho ngành công an. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Từ một chiến sỹ trinh sát cho đến khi giữ cương vị lãnh dạo cao cấp trong ngành công an, đồng chí luôn giữ cho mình nếp sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng nghiệp”.

Thiếu tướng Đỗ Hùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát nhân dân; người đã có nhiều năm làm việc và gần gũi với thiếu tướng Cao Phòng nhận xét: “Cả cuộc đời của thiếu tướng Cao Phòng gắn bó sắt son với ngành công an. Kể từ ngày cách mạng tháng 8 thành công đến khi ông qua đời là một cán bộ cao cấp nhưng sống mẫu mực, liêm khiết, nghiêm túc, thẳng thắn và chân tình. Một cán bộ tâm huyết, say sưa với công việc, bất kỳ việc gì được giao dù là trinh sát, lên lớp huấn luyện, làm tham mưu, hồ sơ, chấp pháp...vv, ông cũng đưa hết tâm lực để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông thực sự là một tấm gương để chúng ta học tập, ông rất xứng đáng được truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Đại tá Đỗ Đình Thư, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) thì cho biết: “Cán bộ của Cục chấp pháp (Nơi Thiếu tướng Cao Phòng hồi còn giữ cương vị là Cục trưởng) đều nói: “Cục trưởng Cao Phòng là một người lãnh đạo gương mẫu, liêm khiết, có đức, có tài kiến thức rộng, bản lĩnh vững, chỉ đạo sắc sảo, chặt chẽ đối với công việc nhưng lại sống gần gũi với anh em đồng chí, đồng nghiệp; chăm lo rèn luyện các cán bộ trẻ và kế cận. Do vậy anh em rất quý trọng, coi ông là một tấm gương để phấn đấu”.

Cùng với đánh giá và tình cảm ấy, thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Trưởng ban liên lạc cán bộ hưu trí Nha Công an Trung ương ngày 16/02/2017 đã làm văn bản gửi hội đồng thi đua khen thưởng Bộ Công an đã đề nghị xét truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng VTND cho đồng chí Thiếu tướng Cao Phòng. Văn bản này viết: “Nhận thấy việc xét khen thưởng thi đua để danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang của lực lượng công an nhân dân thời gian qua chủ yếu mới quan tâm tới những cán bộ Công an có thành tích thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước và sau này thôi, còn những cán bộ công an có công thời kháng chiến chống thực dân Pháp (đánh bại mọi âm mưu và hành động của các cơ quan đặc biệt của tình báo gián điệp Pháp, Mỹ, đặc vụ Tưởng; của các tổ chức phản động lợi dụng tôn giáo, dân tộc của các tổ chức đảng phái phản động... ở vùng tạm chiếm và vùng tự do góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Những cán bộ ấy sau này vẫn tiếp tục phát huy ngày càng cao trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng do hoàn cảnh này khác, không đơn vị, cá nhân nào đề xuất giúp đỡ hoặc cán bộ ấy chết sớm nên đã bị bỏ qua đi nhiều thời cơ thuận lợi.

Nay tôi nhân danh là Trưởng ban liên lạc Cán bộ hưu trí Nha công an Trung ương nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Nha công an TW sau 19/12/1946 bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược; tôi đề xuất và đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho: Đồng chí Nguyễn Đăng Ngọ (tức Cao Phòng) - Cán bộ Phòng nghiên cứu địch tình thuộc Ty chính trị Nha CATW.

Còn với tôi, một nhà báo, một người có hơn 40 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân và cũng đã vinh hạnh được tháp tùng Thiếu tướng Cao Phòng trong những chuyến đi công tác; được nghe ông kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, được chứng kiến nếp sống liêm khiết, giản dị và hòa đồng của ông và nhất là khi được bà Lê Thu (người bạn đời của ông) kể: Sau ngày ông mất, tài sản duy nhất mà ông để lại là cuốn sổ tiết kiệm với 65.000 đồng mà bỗng dưng trong lòng tôi cuộn dâng: “sao lại có một vị tướng công an liêm khiết đến thế?”. Ông xứng đáng là một tấm gương mẫu mực trong công việc; liêm khiết trong đời thực và xứng danh anh hùng để các thế hệ hôm nay và ngày mai học tập và noi theo.

PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục