Tăng thuế VAT lên 12%: Người nghèo chịu thiệt nhiều hơn?

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể hỗ trợ người nghèo và điều chỉnh theo thu nhập.

Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 10% lên mức 12% từ năm 2019. Lý do cho việc tăng thuế suất VAT, theo Bộ Tài chính, là do mức thuế suất thông thường 10% tương đối thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng VAT là loại thế gián thu, tác động trực tiếp vào giá cả hàng hóa. Nếu nâng mức VAT hiện nay lên 12% sẽ làm cho giá hàng hóa tăng, tác động trực tiếp đến chi phí của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sức tiêu thụ hàng hóa, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Theo ông Nghĩa, VAT thể hiện ngay trên hóa đơn bán hàng, vì vậy việc tính toán và thu thuế sẽ nhanh cũng như dễ dàng hơn so với các loại thuế khác. Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, người tiêu dùng dù giàu hay nghèo đều phải đóng chung một mức VAT cho cùng một loại hàng hóa. Do vậy, nếu VAT tăng, số tiền người tiêu dùng thu nhập thấp phải đóng thuế sẽ chiếm một tỷ trọng lớn so với thu nhập của họ.

"Bộ Tài chính cần cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì nó không thể điều chỉnh theo thu nhập và hỗ trợ người nghèo", chuyên gia nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cho biết, hiện nay một số nước trên thế giới đang hạn chế thuế gián thu, một số nước đang áp dụng VAT ở mức 10% như Việt Nam, cũng có nước chỉ 5-7%. "Thậm chí tại nhiều bang tại Mỹ không đánh thuế giá trị gia tăng", ông Nghĩa nói thêm.

Về vấn đề nợ công cao và thâm hụt ngân sách tại Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế này nguyên nhân không phải do nguồn thu thấp mà do việc chi tiêu ngân sách chưa hiệu quả.

Tăng thuế VAT lên 12%: Người nghèo chịu thiệt nhiều hơn? - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Đồng quan điểm với ông Nghĩa, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh -Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho biết tỷ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28-29% GDP. "Việc tăng thuế VAT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách “vung tay quá trán” hay các dự án nghìn tỷ đắp chiếu và kém hiệu quả", ông Tự Anh chia sẻ.

Theo ông Tự Anh, tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện cao hơn hẳn so với các nước EU – là những nước có thuế suất VAT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam.

"Trong khi đó, với mức thuế suất phổ thông trung bình cao hơn hẳn (21,3%), VAT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU. Điều này cũng ngụ ý rằng, việc tăng thuế suất VAT không hiển nhiên cải thiện vai trò của sắc thuế này trong tổng ngân sách", chuyên gia Fulbright cho hay.

Bên cạnh đó, ông Tự Anh cũng có chung quan điểm rằng khi tăng thuế VAT, người thu nhập thập sẽ chịu "tổn thương" nhiều hơn.

Theo khảo sát của NDH, hiện nay thuế giá trị gia tăng của Việt Nam đang tương đương với một số nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Indonesia; cao hơn Malaysia (6%), Thái Lan và Singapore (7%); và thấp hơn Philippines (12%).

Theo Linh Lam/Người đồng hành

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục