Sử dụng quỹ bình ổn giá: Khâu trung gian ăn cả hai đầu

(Kinhdoanhnet) - Với đa số chương trình bình ổn giá, khâu trung gian (thương mại) đưa sản phẩm của người nông dân đến người sử dụng cuối cùng sẽ ăn cả hai đầu một đầu họ có lý do để ép giá người sản xuất và một đầu là người tiêu dùng.

Mặc dù chương trình Bình ổn giá của Chính phủ được triển khai từ nhiều năm, nhưng đến nay hiệu quả mang lại không như mong đợi khi chương trình này được đề xuất. Đã có những mặt trái được bộc lộ từ chính mục đích cao đẹp của chương trình.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 60 doanh nghiệp bán lẻ tham gia bình ổn giá với gần 4.000 điểm bán hàng. Hàng năm, những doanh nghiệp này được hỗ trợ một phần vốn gần 1.500 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước không tính lãi.

Thế nhưng trên thực tế với số lượng này sẽ không đủ nguồn hàng để cung ứng do hàng đến không đúng địa chỉ và có tình trạng lợi dụng để gom hàng bình ổn giá.

Anh Nguyễn Minh Tiến, Chủ một đại lý lớn tại quận Hoàng Mai chia sẻ, biết chương trình bình ổn giá như trứng, dầu ăn, nhiều tư thương thường chầu chực để mua vét hàng về bán lại với giá cao hơn.

Sử dụng quỹ bình ổn giá: Khâu trung gian ăn cả hai đầu - Ảnh 1
Sẽ có bao nhiêu người dân được hưởng lợi từ quỹ bình ổn giá?

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định: “Như vậy phải chăng các chương trình bình ổn giá chỉ làm bần cùng thêm người nông dân trong khi người tiêu dùng cũng không cảm nhận gì từ các chương trình kiểu này và chỉ nhóm trung gian thương mại là có lợi hơn nữa trong chuyện này”.

Nhiều chuyên gia cho rằng chương trình đang tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, trong khi người dân lại không được hưởng lợi từ đây.

Đáng ra tham gia bình ổn giá sẽ phải nhập hàng đầu vào như bình thường, bán ra với giá rẻ hơn hoặc không chạy giá theo làn sóng thị trường, thì đằng này hàng nhập vào ép hạ thấp và không phải người tiêu dùng nào cũng tiếp cận được thì chắc chắn chỉ khâu ở giữa là được lợi.

Điều này cũng từng được đại diện Hội Siêu thị Hà Nội khẳng định, giá đầu vào (tức nguồn cung) quyết định giá bán lẻ và nỗ lực bình ổn giá hiện đang triển khai theo quy trình ngược. Kết quả là giá cả vẫn do thị trường tự do chi phối, vì vậy thay vì rót tiền cho khâu phân phối, giải pháp thiết thực hơn là tập trung quỹ bình ổn giá hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất để bảo đảm nguồn cung với giá thấp cho hệ thống bán lẻ.

Như vậy sẽ có những doanh nghiệp không tham gia chương trình sẽ phải chấp nhận chịu thiệt, hoặc là sẽ phải ép hạ giá đầu vào, tức là gián tiếp làm triệt tiêu sản xuất xã hội. Song về cơ bản sẽ thấy người dân phải chịu thiệt nhiều hơn và một câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp loại nào thì được tham gia chương trình này? Bao nhiêu người dân được hưởng lợi từ các chương trình kiểu này?

Những khó khăn với người nông dân và đa số người tiêu dùng càng chồng chất với những chương trình bình ổn giá, khâu trung gian (thương mại) đưa sản phẩm của người nông dân đến người sử dụng cuối cùng sẽ ăn cả hai đầu một đầu họ có lý do để ép giá người sản xuất và một đầu là người tiêu dùng.

“Như vậy phải chăng các chương trình bình ổn giá chỉ làm bần cùng thêm người nông dân trong khi người tiêu dùng cũng không cảm nhận gì từ các chương trình kiểu này và chỉ nhóm trung gian thương mại là có lợi hơn nữa trong chuyện này”, chuyên gia Bùi Trinh nhận xét.

Vy Hà (TH theo Đất Việt)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục