'So găng' tài sản nghìn tỷ của các cô, cậu chủ BOT 9X

Nguyễn Tiến An và Nguyễn Tiến Vinh là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của các doanh nghiệp sở hữu hai trạm BOT được chú ý nhiều thời gian qua là Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cai Lậy Tiền Giang.

'So găng' tài sản nghìn tỷ của các cô, cậu chủ BOT 9X - Ảnh 1
BOT Cai Lậy và BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ là những dự án nhiều tai tiếng thời gian qua

Như Nhadautu.vn đã đưa tin, Ngày 10/3/2017, Công ty CP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái đã tiến hành thay đổi chức danh quan trọng nhất của doanh nghiệp này. Cụ thể, ông Nguyễn Tiến An thay ông Lê Tiến Thắng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bắc Ái.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Tiến An sinh ngày 05/01/1992, có hộ khẩu thường trú tại Khu 3, xã Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Dù nắm giữ chức vụ cao nhất, song nhiều khả năng ông Nguyễn Tiến An không phải 'ông chủ' thực sự của Công ty Bắc Ái. Trong số 4 cổ đông cùng có địa chỉ thường trú tại Vĩnh Phúc, ông Lê Tiến Thắng (SN 1977) hiện nắm cổ phần chi phối, góp 738 tỷ đồng, tương đương 82% vốn cổ phần của Bắc Ái. Tỷ lệ sở hữu của ông Thắng có lúc lên tới 95% cách đây không lâu.

Công ty Bắc Ái hiện có vốn điều lệ 900 tỷ đồng, gấp 9 lần so với đầu năm 2014. Doanh nghiệp này đang tham gia đầu tư chuỗi dự án BT, BOT và bất động sản 'khủng' với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng.

Không kém cạnh, một doanh nhân 9x họ Nguyễn Tiến khác là ông Nguyễn Tiến An vừa qua đã thay ông Nguyễn Ngọc Tư (SN 1958) giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát.

Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Vinh sinh ngày 9/5/1990, thường trú tại Phố Vũ, P. Đại Phúc, TP. Bắc Ninh.

Công ty Minh Phát có vốn điều lệ 889 tỷ đồng, được coi là chủ sở hữu của dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ khi nắm tới 65% cổ phần dự án này.

Ngoài ra, nhóm cổ đông đầu tư vào Minh Phát còn sở hữu một công ty rất lớn khác trong lĩnh vực BOT là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Công Thành có vốn điều lệ 1.566 tỷ đồng.

Công ty Công Thành vừa qua đã nâng tỷ lệ sở hữu từ 95% lên 99,99% tại dự án BOT Đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương.

Tổng mức đầu tư của các dự án có sự tham gia của nhóm cổ đông lớn nhất đứng sau BOT Pháp Vân Cầu Giẽ lên tới 20.000 tỷ đồng.

"Bóng hồng" BOT9x được dư luận biết đến nhiều là cô Từ Thị Bích Nguyệt. Trong cuộc họp của Tổng cục Đường bộ Việt Nam với các nhà đầu tư BOT ngày 11/9, cô Từ Thị Bích Nguyệt, đại diện nhà đầu tư dự án BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, cho rằng đây là lần thứ 7 đàm phán với bên cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH thu phí tự động VETC.

“Với 29 trạm thu phí đang triển khai, chỉ một đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng là VETC liệu có đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng?”, cô Nguyệt đặt vấn đề.

Sau bài phát biểu về vấn đề thu phí BOT, Từ Thị Bích Nguyệt được dân mạng truy tìm thông tin và địa chỉ Facebook gắt gao, không chỉ vì nhan sắc mà vì mới 25 tuổi đã làm Phó Tổng giám đốc của BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp.

Được biết, Từ Thị Bích Nguyệt sinh năm 1992, tốt nghiệp Đại học Luật, khoa Luật Kinh tế năm 22 tuổi. Sau 3 năm đi làm, hiện nay Bích Nguyệt đã giữ chức Phó Tổng giám đốc BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Hiện chưa có số liệu về sở hữu của chị Nguyệt tại doanh nghiệp này.

Theo Xuân Tiên (Nhà Đầu Tư)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục