Siết chặt quản lý rượu chứa methanol

(Kinhdoanhnet) - Liên tiếp các vụ ngộ độc rượu trong thời gian gần đây theo đánh giá của các cơ quan chức năng phần nhiều là do người sử dụng đã dùng phải rượu có chứa methanol vượt quá ngưỡng quy chuẩn cho phép.

Thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện rượu tự nấu chiếm tỷ lệ 70% thị phần và một thực tế là thời gian qua, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường còn khá phổ biến. Hơn nữa, người tiêu dùng cũng khó có thể tự phân biệt đâu là rượu đạt hay không đạt chất lượng.

Siết chặt quản lý rượu chứa methanol - Ảnh 1
Hiện tượng pha chế methanol thành rượu bán cho người tiêu dùng dẫn đến nhiều vụ ngộ độc nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, sau một loạt các vụ ngộ độc thời gian qua, cơ quan y tế đã phát hiện một số loại rượu được pha chế cả methanol thành rượu để bán cho người tiêu dùng, kết quả xét nghiệm mẫu rượu lấy tại một số điểm kinh doanh cho thấy nhiều mẫu có tỷ lệ methanol vượt mức cho phép đến 2.000 lần, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc methanol nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì việc quản lý hóa chất, đặc biệt là hóa chất trong danh mục nguy hiểm, bị cấm hiện còn nhiều lỗ hổng.

Do đó, để tạo môi trường kiến tạo, giảm bớt các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, chúng ta cần tăng cường công tác hậu kiểm và phân cấp quản lý cho các địa phương.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo cần rà soát tổng thể hệ thống quản lý pháp luật trong quản lý hóa chất, quản lý cồn công nghiệp, phụ gia… Bộ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát các văn bản liên quan vấn đề quản lý hóa chất cấm, hóa chất độc hại từ trong sản xuất, nhập khẩu, thông quan, tồn chứa, sử dụng, kinh doanh…

“Vụ Pháp chế không chỉ thẩm định các đơn vị xây dựng văn bản pháp luật mà còn phải phối hợp với thanh tra để đôn đốc các đơn vị, tăng cường công tác hậu kiểm”, Bộ trưởng yêu cầu.

Đối với Cục Quản lý thị trường và Cục Hóa chất, Bộ trưởng yêu cầu hai đơn vị này phải có sự phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường tính chủ động, tích cực để tập trung xử lý các cơ sở sản xuất rượu trái quy định pháp luật. 

Thời gian qua, rượu giá rẻ trôi nổi trên thị trường khá nhiều, người tiêu dùng không thể tự phân biệt đâu là rượu đạt hay không đạt chất lượng, do đó khó có thể tránh khỏi rượu có chứa methanol (bản chất là cồn công nghiệp, chỉ được sử dụng vào công nghệ làm sơn, đun nấu... không được uống do độc tính rất mạnh).

Trước tình trạng trên, ngày 10/3/2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm.

Thu Hà (TH theo Dân trí, Vietnam+)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục