Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa nổi bật diễn ra nhằm giúp người dân ôn lại không khí lịch sử hào hùng của dân tộc.

* Trang trí băng rôn, khẩu ngữ tạo diện mạo mới cho Thủ đô

Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động văn hóa và thể thao nhằm tạo không khí vui tươi trong các ngày lễ lớn của đất nước. Cụ thể, Sở VH-TT cho lắp dựng 4 cụm pano tấm lớn tại khu vực trung tâm; 4 cụm pano tấm lớn khu vực vùng ven cửa ngõ: Đại Cồ Việt, Daewoo, Trần Nhân Tông, Cát Linh-Giảng Võ; 7 cụm pano 2 mặt tại khu vực trung tâm  thành phố; 11 pano tại trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, Nhà thông tin triển lãm thành phố; phối hợp thực hiện 2.000 băng rôn dọc trên các tuyến phố chính, khu vực trung tâm thành phố theo hình thức xã hội hóa tạo diện mạo cổ động rực rỡ. Cũng trong dịp này nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền lưu động cũng được tổ chức rộng rãi từ thành phố đến cơ sở, tạo không khí vui tươi của ngày hội lớn.

* Trưng bày sách, báo về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 - Ảnh 1
Nhiều hình ảnh, tư liệu cũ về Cách mạng Tháng Tám được trưng bày tại Hội sách cũ Hà Nội (ảnh minh họa)

Hội chợ sách cũ Hà Nội tháng 8-2017 sẽ được tổ chức tại sân Hồ Văn thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ ngày 17 đến 20-8 với sự tham gia của 8 đơn vị chuyên kinh doanh sách cũ tại Hà Nội, gồm: Sách cũ giá rẻ, nhà sách Triệu Hải, sách cũ Kim Mã, sách cũ quận Hai Bà Trưng, sách cũ Phúc Cương, nhà sách Thái Hà, sách cũ Bạch Mai, sách cũ Duy Minh.

Hội chợ sách có nhiều hoạt động hấp dẫn cùng hàng vạn đầu sách thú vị thuộc đủ mọi lĩnh vực. Đặc biệt, Hội chợ sách cũ Hà Nội lần này sẽ trưng bày sách, báo từ năm 1946 viết về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đây là dịp để độc giả có thể tìm kiếm được những nguồn tư liệu quý giá về giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước. Tại đây, độc giả có cơ hội đọc và mua một số ấn phẩm báo cũ như tờ Bình Minh (Cơ quan của Việt Nam tân thanh niên) số ra ngày 25-8-1945; tờ Đồng Minh (Cơ quan của Việt Nam cách mệnh đồng chí hội) số ra ngày 15-12-1945; tờ Sự Thật số ra ngày 16-8-1946; tờ Quân Việt Bắc 1952-1955...

* Chiếu phim tài liệu “Những trang sử biên thùy”

Loạt phim tài liệu "Những trang sử biên thùy" dài 30 tập, được thực hiện trong vòng 3 năm. Đoàn làm phim đã ghi hình tại 44 tỉnh, thành phố có đường biên giới, bờ biển trong cả nước. Những sự kiện, câu chuyện trong phim rất mộc mạc, đời thường, nhưng cũng không kém phần hoành tráng. Những ký ức lịch sử được ghi lại bằng hình ảnh, lời kể của người trong cuộc, lời bình của những nhà nghiên cứu tên tuổi như: PGS.TS Trịnh Sinh, nhà sử học Lê Văn Lan... và đặc biệt là những nhân chứng sống của lực lượng bộ đội biên phòng.

Bộ phim “Những trang sử biên thùy” được chia làm 3 phần, lần lượt theo các chủ đề: Ông cha ta giữ yên bờ cõi”; Nối nghiệp Biên phòng và Vững vàng nơi phên giậu. 

Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 - Ảnh 2
Ảnh trong phim tài liệu "Những trang sử biên thùy"

Phần 1 của loạt phim gồm 5 tập đã khái quát được khá trọn vẹn các phương lược bảo vệ Tổ quốc, mở mang và trấn thủ bờ cõi trải qua các triều đại trong lịch sử. Phần 2 gồm 13 tập được đặt tên theo chủ đề cụ thể: Nối nghiệp biên phòng; Ta gác cho Người, Người gác cả non sông; Bài học về thu phục nhân tâm; Đọ sức đôi bờ… Phần 3 gồm 12 tập, phản ánh các hoạt động, thành tích của bộ đội biên phòng giai đoạn từ năm 1979 cho đến nay trên các nhóm chủ đề chính gồm: Xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển; phòng chống tội phạm, thiên tai; phát huy nhân tố con người; xây dựng cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang bị, phương tiện; tư duy mới bảo vệ biên cương…

Dựa vào những tư liệu xác thực, những nhân chứng sống, mỗi tập phim sẽ chuyển tải nhiều nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng bộ đội biên phòng như quản lý bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phân giới cắm mốc, phòng chống tội phạm, cứu hộ cứu nạn, đối ngoại biên phòng… trong suốt gần 40 năm qua. 

Phần 1 của “Những trang sử biên thùy” (gồm 5 tập) được phát vào lúc 8 giờ, từ ngày 15 đến 19-8; phần 2 (gồm 10 tập) được phát vào lúc 13 giờ 30 phút từ ngày 25-8 đến 7-9-2017 trên kênh HTV9.

* "Sao mai" Hiền Anh ra mắt MV “Bài ca những anh hùng thầm lặng”

Ca khúc là một sáng tác mới của Hiền Anh, viết dựa trên những câu chuyện xúc động về sự hi sinh anh dũng của những người lính trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 - Ảnh 3
"Sao mai" Hiền Anh ra MV "Bài ca những anh hùng thầm lặng".

Ca khúc được Hiền Anh viết vào tháng 7-2017 để tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến với kẻ reo rắc “cái chết trắng”, đồng thời gửi tặng Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cùng toàn thể các cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thuộc lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy.

Bài hát không chỉ dành riêng cho các cán bộ chiến sĩ lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, mà còn là lời tri ân sâu sắc mà Hiền Anh muốn gửi tới tất cả những chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên.

MV được chính thức phát hành vào ngày 19-8, nhân dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám, 72 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (19/8/1945 - 19/8/2017) và 12 năm Ngày hội toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 - 19/8/2017).

Theo Hoàng Lân/Hà Nội mới

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục