Nhức nhối nạn bơm tạp chất vào tôm

(Kinhdoanhnet) - Thời gian gần đây, tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng kích cỡ, trọng lượng của tôm đang diễn ra phổ biến với thủ đoạn tinh vi che mắt cơ quan chức năng và người tiêu dùng.

Trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu đã bắt giữ hàng chục vụ vi phạm, thu giữ hàng trăm tấm tôm đã được bơm hóa chất.

Phương thức tinh vi

Ngày 28/3, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu bất ngờ ập vào cơ sở thu mua tôm sú nguyên liệu ở ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong (TX.Giá Rai) do bà Hà Thị Kiều (47 tuổi) làm chủ, phát hiện trên 20 công nhân đang dùng ống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 55 kg tôm đã bơm tạp chất (rau câu), 1 bình nén có chứa tạp chất, 2 đoạn ống dẫn tạp chất dài 5 m, 16 ống bơm chích và 2 thùng thành phẩm rau câu.

Nhức nhối nạn bơm tạp chất vào tôm  - Ảnh 1
Tình trạng bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm tăng kích cỡ, trọng lượng của tôm đang diễn ra phổ biến. Ảnh minh họa

 Theo các chuyên gia thủy sản, phổ biến nhất là việc bơm bột agar (loại chuyên làm thạch rau câu) vào lưng tôm. Với cách làm này, mỗi con tôm sẽ tăng thêm từ 2 – 3 lạng, giúp người sản xuất dễ dàng tăng thêm lợi nhuận.

Đến ngày 3/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bạc Liêu kiểm tra, bắt quả tang cơ sở thu mua tôm sú do ông Lê Hoàng Nữa (45 tuổi, ngụ ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, TX.Giá Rai) làm chủ, đang tổ chức cho trên 10 công nhân bơm tạp chất vào tôm sú nguyên liệu, cũng với thủ đoạn tương tự. Lực lượng công an đã thu giữ 57 kg tôm bơm tạp chất, 15 kg tạp chất, 1 bình nén có chứa tạp chất cùng nhiều ống bơm. Không chỉ bắt quả tang các cơ sở trực tiếp thuê người bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu, cơ quan chức năng còn phát hiện hàng loạt phương tiện vận chuyển tôm bơm tạp chất đi tiêu thụ.

Chiều 14/3, trên QL1 (đoạn thuộc P.8, TP.Bạc Liêu) đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất xe tải BKS 94L-7472, do tài xế Trương Thanh Tùng (ngụ TP.Bạc Liêu) điều khiển, phát hiện trên xe chở gần 1,4 tấn tôm sú đã bơm tạp chất. Tài xế Tùng khai nhận, lô hàng trên do ông Đoàn Văn Phim (ngụ xã Phong Thạnh Tây, TX.Giá Rai) thuê chở từ TX.Giá Rai lên TP.Bạc Liêu tiêu thụ.

Ông Hà Văn Buôl, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu, cho biết để qua mặt cơ quan chức năng, chủ cơ sở đã dùng nhiều thủ đoạn rất tinh vi, như thiết kế nhiều cánh cửa, hàng rào bên ngoài che chắn cẩn thận, bố trí người canh gác, đặc biệt dụng cụ bơm tạp chất rất hiện đại. Các ống bơm giống như vòi bạch tuộc, khi bơm tạp chất vào tôm sẽ nhanh gấp nhiều lần so với bơm thủ công.

Chỉ qua một tháng (từ ngày 1 - 31/3) tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn tỉnh, lực lượng liên ngành đã phát hiện 15 trường hợp vận chuyển, thu gom và trực tiếp bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Tổng số tôm bơm tạp chất bị tạm giữ gần 3,5 tấn. Đồng thời đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 900 triệu đồng.

Cần xử lí hình sự

Theo ông Buôl, việc kiểm tra, xử lý tình trạng trên chưa được triệt để và gặp nhiều khó khăn do các cơ sở tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hoạt động rất tinh vi, chia lẻ lượng tôm, hoạt động bất kể lúc nào, liên tục thay đổi địa điểm… Trong khi đó, lực lượng kiểm tra còn thiếu công cụ hỗ trợ, đôi lúc gặp nguy hiểm vì đối tượng vi phạm chống đối. “Thực trạng bơm chích tạp chất vào tôm được xem là một vấn nạn của tỉnh. Nguyên nhân do nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm. Nhiều cơ sở thu mua tôm vì lợi nhuận mà bất chấp hành vi vi phạm pháp luật, thuê công nhân ngang nhiên bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu. Trung bình 100 kg tôm sau khi bơm tạp chất đã tăng thành 115 kg, tôm lớn thì trọng lượng tăng nhiều hơn”, ông Buôl nói.

Trong khi đó, ông Võ Hồng Ngoãn, một hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), cho rằng việc xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở tổ chức bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu và các chủ phương tiện chuyển tôm chứa tạp chất chưa đủ sức răn đe, xử phạt theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. “Sau kiểm tra, xử phạt, các cơ sở vẫn tiếp tục tái phạm”, ông Ngoãn nói và kiến nghị cần tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số tôm tạp chất khi kiểm tra phát hiện và bắt giữ; đồng thời cần truy cứu trách nhiệm những cá nhân, cơ sở tổ chức bơm tạp chất vào tôm, vì hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hộ nuôi tôm, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt là ảnh hưởng đến thương hiệu tôm nuôi Việt Nam.

Nếu ăn phải loại tôm nay người tiêu dùng có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy, tả, thương hàn, rối loạn tiêu hóa… Tuy nhiên, thực tế không phải ai cũng có thể nhận diện được đâu là tôm tươi ngon và đâu là tôm đã bơm tạp chất.

Việt Chinh (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục